Tại buổi giao ban báo chí diễn ra sáng 12-3, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết lãnh đạo Bộ đã đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tạm dừng thẩm định dự thảo tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT soạn thảo.
Tạm dừng vì còn nhiều ý kiến trái chiều
Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết có ba nguyên tắc trong việc xây dựng bộ quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Một là phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta tại thời điểm này. Hai là phải đảm bảo nguyên tắc đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội. Đây là nguyên tắc không phải ngoại lệ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới. Ba là phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan.
Với dự thảo TCVN 12607:2019, khi dự thảo chuyển sang Bộ KH&CN thẩm định, công bố thì nhận được nhiều ý kiến trái chiều của nhiều tổ chức, cá nhân và giới báo chí. “Đối chiếu các nguyên tắc trên thì thấy chưa đảm bảo nên Bộ tạm dừng thẩm định để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội. Mục đích để khi ban hành bộ tiêu chuẩn phải đảm bảo sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không ảnh hưởng đến sản xuất của các đơn vị sản xuất nước mắm” - Thứ trưởng Tạc thông tin.
Cũng theo vị thứ trưởng Bộ KH&CN, theo nguyên tắc, khi xây dựng một bộ TCVN thường căn cứ vào các tiêu chuẩn của nước ngoài và căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam. Sau khi các bộ, ngành xây dựng xong thì chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để thẩm định, sau đó Bộ KH&CN sẽ ký quyết định công bố bộ tiêu chuẩn đó.
Cũng tại cuộc giao ban báo chí này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết sẽ cùng Bộ KH&CN tiếp thu ý kiến của các cá nhân, tổ chức và tổ chức đối thoại với các bên liên quan. Qua đó để hoàn thiện bộ tiêu chuẩn TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm một cách tốt nhất.
“Với tinh thần cầu thị, Bộ NN&PTNT mong muốn khi bộ tiêu chuẩn được ban hành và được công bố sẽ thúc đẩy được sản xuất trong nước và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan” - Thứ trưởng Tiến cam kết.
Trước đó, chiều 11-3, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu giao Bộ NN&PTNT nghiên cứu kỹ các ý kiến của các tổ chức, hiệp hội về tiêu chuẩn cho nước mắm, tổ chức đối thoại để tạo thống nhất. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu mục tiêu phải bảo đảm sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng và không để ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Nhiều cơ sở sản xuất nước mắm cho rằng dự thảo mới công bố gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Trong ảnh: Một nhà thùng sản xuất nước mắm tại Phú Quốc. Ảnh: TRẤN GIANG
Nhiều ý kiến tâm huyết, sẽ bổ sung và sửa đổi
Trao đổi với chúng tôi ngay sau khi nhận được thông tin tạm dừng thẩm định và công bố tiêu chuẩn nước mắm, một số hiệp hội và doanh nghiệp cho biết đây là thông tin vui vì Chính phủ và các bộ đã hành động kịp thời. Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản 585 Nha Trang, bày tỏ: “Đây là tín hiệu đáng mừng vì ý kiến của các hiệp hội, nhà thùng, nhà khoa học... đã được lắng nghe. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến để dự thảo về nước mắm phù hợp với tình hình thực tế và có thể áp dụng được”.
Tuy vậy, một số ý kiến cũng đề nghị trong thời gian tới, nếu cơ quan soạn thảo tổ chức lấy ý kiến về dự thảo tiêu chuẩn quốc gia 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm thì cần mời đầy đủ các thành phần có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong đó, đặc biệt phải mời các chuyên gia thực sự am hiểu về lĩnh vực nước mắm để tham gia ý kiến. Đặc biệt phải xây dựng hai bộ tiêu chuẩn, một cho nước mắm truyền thống và một cho nước mắm công nghiệp, chứ không để nhập nhèm, gom chung hai thành một.
Trước đó, dự thảo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm bị các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống lẫn chuyên gia phản đối dữ dội vì có hơn 50 nội dung quy định không phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm truyền thống. Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng theo dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm này không phân định rõ quy trình sản xuất đâu là nước mắm truyền thống, đâu là nước mắm công nghiệp; xóa nhòa ranh giới giữa nước mắm truyền thống và công nghiệp, gây bất lợi cho nước mắm truyền thống.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), thừa nhận cách trình bày và thể hiện một số nội dung trong dự thảo (ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…) chưa được rõ ràng và mạch lạc nên có thể gây hiểu lầm là bắt buộc phải xét nghiệm. Do đó ông đã đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét tiếp thu làm rõ hơn.
Về hướng giải quyết sắp tới, ông Linh cho hay vừa qua đã nhận được ý kiến góp ý của câu lạc bộ nước mắm truyền thống VASEP rất cụ thể về các nội dung của tiêu chuẩn và các khuyến nghị sửa đổi. Đây là các ý kiến hết sức tâm huyết và hữu ích cho quá trình xây dựng tiêu chuẩn.
“Với vai trò của cơ quan quản lý trong lĩnh vực, với phương châm hành động của Chính phủ, chúng tôi một lần nữa xin nhiệt liệt hoan nghênh các ý kiến góp ý, phản biện, nhận xét hoặc đề xuất sửa đổi các khuyến nghị đã được quy định trong dự thảo này. Tôi cũng mong các nhà khoa học, các nhà sản xuất tiếp tục đóng góp và góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn này” - ông Linh cam kết.
Đề nghị trả lại tên cho nước mắm truyền thống Ngày 12-3, Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức họp bất thường với các hội viên để ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của hội viên đối với dự thảo TCVN 12607:2019 quy phạm thực hành sản xuất nước mắm. Các ý kiến, kiến nghị của hội viên sau cuộc họp sẽ được hội tổng hợp để gửi đến cơ quan chức năng của tỉnh và trung ương nhằm đề đạt nguyện vọng của các hội viên cũng như quan điểm của hội. Một số doanh nghiệp cho rằng cần phải minh bạch, trả lại đúng tên cho nước mắm truyền thống, phải có tiêu chuẩn cho nước mắm truyền thống và tiêu chuẩn cho nước mắm công nghiệp chứ không thể đưa ra tiêu chuẩn chung cho hai loại như dự thảo. Lý do là phương pháp, quy trình sản xuất nước mắm truyền thống khác với nước mắm công nghiệp. Theo báo cáo của Hội Nước mắm Phú Quốc, mỗi năm nước mắm Phú Quốc sản xuất hơn 30 triệu lít từ 20 đến 43 độ đạm, doanh thu hơn 600 tỉ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn người lao động. PV |