Mất 500 triệu đồng vì thỏa thuận không có trong hợp đồng đặt cọc

(PLO)- Người mua nhà cho rằng có thỏa thuận miệng với người bán nếu vay được tiền ngân hàng thì sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng nhưng ngân hàng không cho vay nên bà đòi lại tiền đặt cọc 500 triệu đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, TAND tỉnh An Giang đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng đặt cọc giữa nguyên đơn là bà NNC và bị đơn là NTN do có kháng cáo của nguyên đơn.

Theo hồ sơ, bà C trình bày, tháng 8-2022, bà N thỏa thuận chuyển nhượng cho bà hai căn nhà gắn với hai thửa đất, mỗi thửa 56 m2, với tổng số tiền 2 tỉ đồng. Hai bên làm hợp đồng đặt cọc, bà đã đặt cọc hai lần, tổng cộng 500 triệu.

hợp đồng đặt cọc
Hợp đồng đặt cọc không ghi nội dung thỏa thuận về việc bà C vay được tiền thì mới thực hiện hợp đồng chuyển nhượng

Theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đặt cọc, bà N sẽ giao nhà, đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà. Ngoài ra, bà và bà N có thỏa thuận thêm bằng lời nói là khi ngân hàng cho bà vay tiền thì bà sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng với bà N.

Sau 60 ngày, ngân hàng không cho bà vay tiền nên bà không tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng như thỏa thuận nêu trên với bà N. Vì vậy, bà yêu cầu bà N trả tiền đặt cọc 500 triệu lại cho bà.

Bà N thống nhất lời trình bày của bà C về thỏa thuận đặt cọc 500 triệu để chuyển nhượng nhà, đất như trên. Hai bên thỏa thuận trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày đặt cọc, bà C phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng với bà. Tuy nhiên, quá thời hạn, bà C không tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng theo thỏa thuận là lỗi của bà C nên bà C không được nhận lại tiền đặt cọc.

Bà N không thừa nhận có thỏa thuận bằng lời nói với bà C về việc khi ngân hàng cho bà C vay tiền thì bà C sẽ tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng với bà. Bà không đồng ý với yêu cầu của bà C và có đơn phản tố yêu cầu hủy hai hợp đồng đặt cọc.

Xử sơ thẩm, TAND TP Long Xuyên đã bác yêu cầu khởi kiện của bà C. Sau đó, bà C kháng cáo yêu cầu được nhận lại 500 triệu tiền đặt cọc.

Xử phúc thẩm, TAND tỉnh An Giang nhận định, bà C thì nói nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được hợp đồng chuyển nhượng là do ngân hàng không cho bà vay tiền nên bà không có tiền để tiếp tục hợp đồng.

Trong khi đó, bà N không thừa nhận có thỏa thuận bằng lời nói về việc bà C vay tiền được thì mới thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà đất của bà.

Mặt khác, hai hợp đồng đặt cọc (cách nhau hai ngày trong cùng tháng 8-2022) không ghi nội dung thỏa thuận về việc bà C vay được tiền thì mới thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất với bà N.

Theo tòa, căn cứ vào nội dung thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc, bà C (là bên đặt cọc) đã từ chối giao kết, thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất với bà N (là bên nhận đặt cọc). Bà C khởi kiện, kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ gì chứng minh cho yêu cầu khởi kiện, kháng cáo của mình. Vì vậy, tòa phúc thẩm đã bác kháng cáo của bà C, giữ y bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà về việc đòi lại 500 triệu tiền đặt cọc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm