Người mua nhà khóc ròng vì hợp đồng đặt cọc mập mờ từ ngữ

(PLO)- Hợp đồng đặt cọc ghi “giá thanh toán” 1,7 tỉ đồng nhưng hợp đồng mua bán ghi “giá bán nhà” 2,7 tỉ đồng khiến người mua bị rơi vào thế không mua thì mất cọc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh tới Pháp Luật TP.HCM, nhiều trường hợp người dân cho biết sau khi được các công ty bất động sản (BĐS) tư vấn để ký hợp đồng đặt cọc, biên bản thỏa thuận để mua sản phẩm nhà đất, căn hộ thì mới phát hiện ra sản phẩm mà mình mua không đúng với những tư vấn ban đầu.

Rối trí với tên gọi các khoản tiền

Ông Lê Tuấn Vũ (30 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết sau khi tìm hiểu thông tin, ngày 24-7 ông và Công ty CP Đầu tư địa ốc Superland (Công ty Superland) đã ký kết hợp đồng đặt cọc để mua một căn nhà đã có sổ hồng tại dự án nhà Mỹ Yên ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, Long An.

Theo đó, hợp đồng đặt cọc thể hiện ông Vũ đồng ý đặt cọc cho Công ty Superland để đảm bảo việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đối với nhà đất nêu trên với “giá thanh toán” là 1,7 tỉ đồng. Ngay sau khi ký hợp đồng đặt cọc này ông Vũ phải đặt cọc cho công ty 200 triệu đồng. Số tiền 1,5 tỉ đồng sẽ được thanh toán vào một tuần sau.

Trước khi quyết định ký hợp đồng đặt cọc để mua căn nhà nêu trên ông Vũ đã được nhân viên của Công ty Superland tư vấn, thể hiện qua tin nhắn Zalo có nội dung: “Công ty em đưa ra giá chốt cuối cùng là 1,85 tỉ đồng, nếu không lấy nội thất là còn 1,7 tỉ đồng. Mức giá này chỉ có duy nhất trong ngày 23-7 vì là sinh nhật của công ty”.

Căn cứ nội dung tư vấn và hợp đồng đặt cọc đã ký nêu trên, đến ngày 30-7, ông Vũ đến công ty để ký hợp đồng mua bán thì lúc này Công ty Superland đưa ra “hợp đồng tiến trình thực hiện thanh toán chuyển nhượng nhà ở”, trong hợp đồng này lại thể hiện “giá bán nhà” là 2,7 tỉ đồng.

Trong đó, tiến độ thanh toán bao gồm: 200 triệu tiền đặt cọc đã nộp, 1,5 tỉ đồng khách hàng phải thanh toán vào ngày 30-7 và 1 tỉ đồng còn lại thanh toán vào ngày ký hợp đồng công chứng ba bên từ ngân hàng.

Quá bất ngờ với giá mua 2,7 tỉ đồng, ông Vũ đã trực tiếp đến trụ sở của Công ty Superland để giải quyết. Tuy nhiên, phía công ty cho biết tổng giá trị căn nhà bán cho ông Vũ là 2,7 tỉ đồng, nếu không tiếp tục mua thì sẽ mất tiền cọc. Trường hợp ông Vũ vẫn có mong muốn tiếp tục hợp đồng thì công ty sẽ đưa ra một sản phẩm khác tương ứng với giá 1,7 tỉ đồng.

“Tôi đã trực tiếp qua Long An để xem nhà và xem sổ hồng nên mới an tâm về pháp lý. Đồng thời còn được nhân viên tư vấn báo giá trị căn nhà là 1,7 tỉ đồng, cảm thấy trong khả năng tài chính nên mới quyết định mua. Giờ giá trị căn nhà là 2,7 tỉ đồng thì không có khả năng tài chính để chi trả và giống như tôi đang bị lừa và bị ép phải mua một sản phẩm khác với giá 1,7 tỉ đồng, nếu không sẽ mất 200 triệu đồng” - ông Vũ trình bày.

Khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi

Theo luật sư Đặng Trường Thanh, trong trường hợp này, nếu hai bên không thỏa thuận được với nhau thì ông Vũ có thể khởi kiện ra TAND quận Bình Tân (nơi công ty BĐS có trụ sở) để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Ông Lê Tuấn Vũ đang trình bày sự việc với PV. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Ông Lê Tuấn Vũ đang trình bày sự việc với PV. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Không ghi rõ vì là "chiến lược marketing" (!?)

Theo thông tin công bố trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trước khi có tên Công ty Superland thì doanh nghiệp này có tên là Công ty CP Đầu tư địa ốc Gia Hân (trụ sở tại địa điểm khác so với hiện tại), được thành lập vào ngày 1-7-2019. Ngành nghề kinh doanh chính là tư vấn, môi giới, đấu giá BĐS, đấu giá quyền sử dụng đất.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc kinh doanh Công ty Superland, cho biết trường hợp của khách hàng Lê Tuấn Vũ sau khi đi xem thực tế, nhân viên tư vấn đã báo giá sản phẩm cho khách hàng là 2,7 tỉ đồng, còn giá 1,7 tỉ đồng trên hợp đồng đặt cọc chỉ là giá thanh toán trước trên tổng giá trị cần thanh toán.

Ông Thiện cũng cho biết tổng giá trị thanh toán cuối cùng sẽ được công ty nêu trong hợp đồng chính thức sau khi ký hợp đồng đặt cọc.

Khi PV đặt câu hỏi vì sao công ty không ghi rõ tổng giá trị cần phải thanh toán trên hợp đồng đặt cọc là 2,7 tỉ đồng để khách hàng biết, ông Thiện nói đó là chiến lược marketing của công ty. Đối với nội dung tin nhắn trên Zalo mà nhân viên công ty đã tư vấn với giá 1,7 tỉ đồng, ông Thiện giải thích đó là giá chốt để nhận nhà và là khoản tiền cần phải thanh toán trước khi ký hợp đồng chính thức.•

Có sự nhập nhằng khái niệm về số tiền

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Đặng Trường Thanh, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết hiện nay khi khách hàng tham gia vào các giao dịch mua bán, nhận chuyển nhượng BĐS hình thành trong tương lai hay BĐS hiện hữu thì chủ đầu tư hoặc các công ty môi giới thường đưa ra rất nhiều loại hợp đồng có tên gọi khác nhau khi giao kết.

Ví dụ như hợp đồng đặt cọc; văn bản thỏa thuận chuyển nhượng; hợp đồng hứa chuyển nhượng; hợp đồng hợp tác đầu tư… Hoặc thậm chí là các hợp đồng mẫu của các doanh nghiệp kinh doanh BĐS mà khách hàng không được thay đổi các điều khoản.

Do đó, khi tham gia các giao dịch này khách hàng thường là bên yếu thế, không ít trường hợp khách hàng không tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý BĐS, không đọc kỹ những điều khoản trong các hợp đồng mà mình đã ký dẫn đến việc bị chiếm dụng số tiền đã nộp để rồi phải rất vất vả đi đòi lại tiền.

Cũng theo luật sư Thanh, trong trường hợp vụ việc của ông Vũ, đang có sự nhập nhằng giữa các khái niệm trong việc thanh toán các khoản tiền. Cụ thể, trên hợp đồng đặt cọc thì ghi là “giá thanh toán” trong khi trong hợp đồng sau đó lại ghi là “giá bán nhà”. Vì vậy mà bất cứ ai đọc vào cũng có thể hiểu và giải thích theo nhiều cách khác nhau.

Do đó, để tránh phát sinh các tranh chấp thì ngay từ đầu công ty nên tư vấn một cách rõ ràng cho khách hàng tổng giá trị sản phẩm BĐS đang chào bán là bao nhiêu và cần thể hiện số tiền này trong hợp đồng đặt cọc một cách rõ ràng.

Về phía người mua nhà nên tìm hiểu kỹ và đọc kỹ những nội dung các văn bản trước khi ký. Chỗ nào chưa rõ thì đề nghị ghi rõ vào trong văn bản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm