Mất gần 350 triệu đồng với chiêu trò nâng cấp SIM 4G

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, bà Lê Thị Kiều Nga, 66 tuổi, ngụ phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM, cho biết bà vừa bị lừa mất 346 triệu đồng. Cụ thể, bà bị một người tự xưng là nhân viên của MobiFone, gọi đến nói hỗ trợ khách hàng nâng cấp SIM 4G. Sau cuộc nói chuyện và thực hiện theo hướng dẫn, bà Nga đã bị mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.

 Video: Mất gần 350 triệu đồng với chiêu trò nâng cấp SIM 4G

Do quá tin tưởng người lạ, bà Nga thực hiện theo hướng dẫn và bị mất sạch tiền tiết kiệm. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Bị lừa bằng thủ đoạn nâng cấp SIM

Theo bà Nga, hôm đó là ngày thứ Sáu, 11-2, khi bà đang dạy trên lớp (bà là giáo viên dạy tiếng Pháp) thì số điện thoại 0289996xxxx gọi nhiều lần vào điện thoại của bà. Do bận dạy nên bà không nghe máy. Đến gần 18 giờ cùng ngày, bà mới nghe khi số này tiếp tục gọi.

Một giọng nam xưng tên Minh hỏi: “Đây có phải là số điện thoại của cô Lê Thị Kiều Nga không?”. Bà Nga liền xác nhận. Tiếp đó người này lại hỏi: “Số căn cước của cô có phải như vậy không?...”.

Sau khi người phụ nữ xác nhận, người gọi nói rằng mình là nhân viên của nhà mạng MobiFone, gọi tới để nâng cấp SIM 4G cho khách hàng.

Tuy nhiên, bà Nga cho biết là mình đã nâng cấp SIM lên 4G rồi và đang trong giờ dạy, ngày mai bà sẽ ra cửa hàng MobiFone để làm. Tuy nhiên, người này vội nói rằng chỉ cần một thao tác nữa thôi là xong và yêu cầu bà Nga nán lại ít phút vì thao tác cực kỳ đơn giản. Cụ thể, điện thoại của bà sẽ nhận được một tin nhắn, trong đó có một dãy số, bà chỉ đọc dãy số này cho nhân viên kiểm tra để hoàn tất thủ tục nâng cấp SIM 4G.

“Tôi khá tin tưởng người này vì đã đọc đúng tên, đúng số CCCD của mình nên làm theo hướng dẫn. Sau đó tôi có gọi lại để hỏi việc nâng cấp thì người này không bắt máy” - bà Nga nói.

Mất sạch tiền tiết kiệm

Cũng theo bà Nga, sau đó bà cũng nghi vấn nên đọc hết tin nhắn thì phần cuối có cảnh báo rằng không được gửi mã OTP cho người lạ để tránh bị lừa đảo. Ngay sau đó, bà Nga đã gọi điện thoại lên ngân hàng để khóa tài khoản thì điện thoại không gọi được. Bà cũng ra ngay trụ ATM gần nơi dạy học để kiểm tra nhưng không vào được tài khoản.

Bà Nga tiếp tục đến cửa hàng MobiFone trình bày sự việc. Sau khi kiểm tra, phía cửa hàng cho biết SIM điện thoại của bà đã bị chuyển sang eSIM và bị người khác chiếm quyền sử dụng. “Tôi mới trình bày câu chuyện của mình thì họ nói tôi hãy ra công an phường báo án ngay lập tức vì đây là lừa đảo” - bà Nga nói.

Tại trụ sở Công an phường 14, quận Gò Vấp, bà Nga được các cán bộ ở đây hỗ trợ gọi lên ngân hàng để kiểm tra thì phát hiện số tiền 346 triệu đồng trong tài khoản của bà đã mất.

“Họ đã chuyển tiền của tôi đi hai lần. Lần đầu là 300 triệu đồng, lần thứ hai là 46 triệu đồng. Số tiền này được gửi qua một số tài khoản mang tên LTT ở Ngân hàng M” - bà Nga nói.

Bà Nga cũng được công an phường hỗ trợ gọi qua ngân hàng nơi số tiền chuyển đến. Phía ngân hàng cũng xác nhận tài khoản mang tên LTT đã nhận tiền nhưng bà Nga không có quyền khóa tài khoản này.

Bà Nga cho biết bà từng có thời gian công tác tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp và dạy tiếng Pháp tại đây. Sau thời gian công tác, bà Nga vừa nghỉ hưu, số tiền bị mất là tiền hưu và tiền dành dụm nhiều năm trời. Bà hiện vẫn ở nhà thuê tại quận Gò Vấp, giờ bị mất hết số tiền dành dụm, bà phải rất vất vả trong cuộc sống hằng ngày.

Bà Nga mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra để lấy lại số tiền dành dụm cả đời của mình. Và qua trường hợp của bà cũng cảnh báo để mọi người không lâm vào hoàn cảnh tương tự.

Phía Công an phường 14 cho biết hiện vụ việc đã được lập hồ sơ chuyển lên Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp thụ lý, điều tra theo thẩm quyền.•

 

Lợi dụng chính sách của nhà mạng để lừa đảo

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng có cảnh báo về các đối tượng lừa đảo khi yêu cầu nâng cấp SIM 3G thành 4G. Mục đích nhằm lừa đảo, chiếm đoạt quyền kiểm soát SIM điện thoại, đánh cắp các thông tin thẻ tín dụng, lấy mã OTP và thanh toán tiền cho các đơn hàng online bằng thẻ tín dụng của người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã yêu cầu các nhà mạng đưa thông tin cảnh báo về tình trạng này tới người tiêu dùng. Thủ đoạn của các đối tượng này là lợi dụng chính sách hỗ trợ đổi SIM 4G của các nhà mạng và đưa ra những lý lẽ đầy thuyết phục với người dân. Cụ thể như thực hiện đổi SIM theo cú pháp, không giao SIM trực tiếp nhằm hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đổi SIM ngay để được miễn phí và nhận được các ưu đãi, khuyến mãi; nếu không nâng cấp lên 4G sẽ không thể tiếp tục sử dụng dịch vụ…

Từ đó, các đối tượng lừa đảo đã dễ dàng chiếm được lòng tin của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm