Mất hành lý: Hãng đền một, khách đòi hai

Khách hàng trong vụ việc này là bà Đinh Thị Hiền Lý (quận 1, TP.HCM). Cách đây một tháng, bà Lý đi trên chuyến bay số hiệu VJ8387 từ Đà Nẵng vào TP.HCM. Bà đã đóng thêm phí để được ký gửi 35 kg hành lý (đựng trong hai va ly). Tuy nhiên, khi máy bay về đến Tân Sơn Nhất, bà không nhận được chiếc va ly to trọng lượng trên 22 kg.

“Sau khi thấy không còn hành lý nào trên băng chuyền và trong nhà ga, tôi đã liên hệ với nhân viên phụ trách tìm kiếm hành lý thất lạc (SAGS). Đến ngày 19-2, nhân viên SAGS chính thức thông báo là hành lý của tôi coi như bị mất, đồng thời SAGS chuyển hồ sơ của tôi cho VietJetAir để tiến hành bồi thường” - bà Lý kể.

Mất hành lý: Hãng đền một, khách đòi hai ảnh 1

Cũng trong ngày 19-2, bà Lý nhận được thông báo của VietJetAir đồng ý bồi thường 50.000 đồng/kg hành lý. Bà không chấp nhận mức bồi thường này vì “quá thấp, không thể bù đắp thiệt hại”. Đến ngày 21-2, nhân viên của VietJetAir mới gọi điện thoại cho biết sẽ nâng mức bồi thường lên 100.000 đồng/kg. Lần này bà Lý cũng không chịu. Bà lập luận: “Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát hàng hóa là 17 đơn vị tính toán cho mỗi ký hàng hóa trong trường hợp giá trị của hàng hóa không được khai báo trước. Đơn vị tính toán là đơn vị tiền tệ do Quỹ Tiền tệ quốc tế xác định (được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt - SDRs) và được chuyển đổi sang đồng Việt Nam theo tỉ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán. Cụ thể, 1 SDRs tương đương 1,51 USD, 17 SDRs tương đương 25,6 USD. Theo đó, với 22,5 kg hành lý làm thất lạc, VietJetAir phải bồi thường cho tôi gần 580 USD theo cách tính: 25,6 USD x 22,5 kg. Tính ra hãng phải bồi thường khoảng 12 triệu đồng (với mức hơn 400.000 đồng/kg) Ngoài ra, hãng này còn phải thanh toán cho tôi khoản phí vận chuyển 22,5 kg hành lý ký gửi từ Đà Nẵng vào TP.HCM nhưng rốt cuộc tôi không nhận được”.

Tuy nhiên, trả lời cho bà Lý qua email, phòng Dịch vụ khách hàng của VietJetAir nói: Hãng chỉ nâng mức bồi thường là 200.000 đồng/kg (tính tổng cộng là 4,4 triệu đồng) và không trả lại phí vận chuyển cho bà Lý. Bà Lý tiếp tục không đồng ý và cho biết sẽ khiếu nại lên Cục Hàng không Việt Nam và khởi kiện ra tòa để đòi VietJetAir phải bồi thường đúng luật.

Trao đổi với PV, đại diện VietJetAir cho biết: “Do mỗi hãng hàng không có mô hình kinh doanh khác nhau nên VietJetAir phải xây dựng các chính sách, điều lệ phù hợp theo điều kiện khai thác của hãng. Ở các chuyến bay quốc nội, mức giá bồi thường của hãng đối với hành lý thất lạc tối đa là 200.000 đồng/kg. Trong trường hợp của bà Lý, hãng đã bồi thường theo mức tối đa này”.

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG (Đoàn Luật sư TP.HCM):

Không được thỏa thuận thấp hơn

Điều 166 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định rõ mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển. Theo điểm d khoản 1 điều luật này, đối với vận chuyển hàng hóa, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng… là 17 đơn vị tính toán cho mỗi ký hàng hóa (xem cách tính chi tiết trong bài viết). Trường hợp người gửi hàng có kê khai giá trị của việc nhận hàng hóa tại nơi đến và trả một khoản phí bổ sung thì người vận chuyển phải bồi thường theo mức giá trị đã được kê khai, trừ trường hợp người vận chuyển chứng minh được rằng giá trị đã kê khai lớn hơn giá trị thực tế.

Điều 167 luật này cũng lưu ý: “Mọi thỏa thuận của người vận chuyển với hành khách, người gửi hàng… nhằm miễn, giảm mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển theo quy định tại Điều 166 của luật này đều không có giá trị pháp lý. Người vận chuyển có thể thỏa thuận với hành khách, người gửi hàng… về các mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cao hơn các mức giới hạn trách nhiệm quy định tại Điều 166 của luật này”.

Như vậy, có thể hiểu rằng các hãng máy bay có thể đưa ra mức bồi thường riêng cho hãng mình nhưng phải đảm bảo tiêu chí hoặc bằng hoặc cao hơn chứ không được thấp hơn mức luật định.

Phải tính theo luật

Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định sao về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì các hãng phải thực hiện đúng như vậy chứ không thể đưa ra quy định riêng.

Ông LẠI XUÂN THANH,Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Cách bồi thường của các hãng khác

Theo tìm hiểu của PV, các hãng hàng không trong nước khác đều có điều lệ vận chuyển và mức bồi thường cụ thể đối với hành lý bị thất lạc, căn cứ theo quy định Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

Đơn cử, Vietnam Airlines, Air Mekong quy định mức bồi thường là 20 USD/kg hành lý bị mất mát, hư hỏng (quy đổi tại thời điểm này là hơn 400.000 đồng/kg).

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm