Ngày 13-11, TS-BS Mai Trọng Tường, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM, chia sẻ như trên.
Không thể cầm rựa chẻ củi
Cách đây không lâu, anh NVT (22 tuổi, Long An) đến BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM trong tình trạng đứt lìa ngón cái tay phải do máy cưa gỗ. Sau khi nối lại, bác sĩ dặn dò anh T. khoảng hai tuần sau tái khám để được hướng dẫn tập vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng hoạt động ngón tay bị đứt.
Sợ nghỉ lâu bị giám đốc cho nghỉ việc nên anh T. xin chuyển công việc khác và tiếp tục đi làm, quên hẳn chuyện tái khám. Một tháng sau, ngón cái mặc dù đã lành lặn, hồng hào nhưng cứng đơ, không nhúc nhích khiến anh T. mất nhiều năng lực lao động.
“Do ngón cái không cử động nên anh T. không thể cầm rựa chẻ củi, chẳng thể cầm búa đóng đinh. Anh T. đau khổ, dằn dặt vì sau này chẳng thể làm công việc nặng nhọc để phụ hợ vợ con” - TS-BS Tường nói.
BS của BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM đang nối ngón tay trỏ đứt lìa của một nạn nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC
Chẳng thể bắt tay người quen
Tương tự, anh VML (24 tuổi, Đồng Nai) bị máy cơ khí cưa đứt đốt 1 và 2 ngón giữa bàn tay phải và cũng được bác sĩ của BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM nối lại. Mặc dù bác sĩ dặn đi dặn lại phải chịu khó đến bệnh viện tái khám và tập vật lý trị liệu nhưng anh L. bỏ ngoài tai.
Khoảng một tháng sau, khách tới nhà chơi, anh L. đón tiếp nhưng khi bắt tay, cả anh L. và người khách đều ngạc nhiên khi thấy ngón giữa của anh L. cứ chĩa đứng, trông không đẹp mắt.
“Sau nhiều lần như vậy, anh L. tỏ vẻ ái ngại khi bắt tay với khách. Không chỉ vậy, do ngón tay giữa không cử động nên anh L. gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày như cầm đũa, cầm viết, khuân vác… Ngón giữa anh L. luôn chĩa đứng nên khả năng bị gãy do va quẹt cũng dễ xảy ra. Anh L. tìm đến bác sĩ nhờ chỉnh sửa nhưng không thể được” - TS-BS Tường cho biết.
Vướng víu khi cho tay vào túi quần
Mới đây, anh THĐ (28 tuổi, ở Bình Dương) nhờ bác sĩ ở BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM tháo hai lóng ngón trỏ bàn tay phải bị đứt lìa đã được nối lại trước đó.
Lý do anh Đ. đưa ra do ngón trỏ luôn bị cong nên không thể cho tay vào túi quần vì bị vướng, chẳng thể phát quang cây cỏ vì cầm dao không chặt. Chưa hết, anh Đ. cũng không dám cầm đồ vật nặng vì sợ đánh rơi do thiếu độ bám.
Nạn nhân đứt lìa ngón tay đang tập vật lý trị liệu sau khi nối lại. Ảnh: TRẦN NGỌC
Trước đó, anh Đ. bị đứt hai lóng ngón trỏ tay phải do tai nạn lao động. Sau khi nối lại, bác sĩ yêu cầu anh Đ. tái khám đúng hẹn và chịu khó tập vật lý trị liệu để hồi phục phần nào chức năng của ngón tay đứt lìa.
“Do không làm đúng lời dặn của bác sĩ nên ngón tay trỏ anh Đ. luôn ở tư thế cong, không thẳng được. Ngón tay trỏ ở vị trí như thế gây không ít bất lợi cho anh Đ. trong cuộc sống hằng ngày” - TS-BS Tường nói.
Ngón tay đứt lìa phục hồi 80%
Theo bà Bùi Kim Hằng, Phó Trưởng khoa Vật lý trị liệu BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM: “Ngón tay đứt lìa sau khi nối lại nếu không tập vật lý trị liệu sẽ cứng khớp, teo, thậm chí phải mổ lại do dính gân. Rơi vào tình huống trên, người bị nạn sẽ mất một phần năng lực lao động vì chức năng hoạt động của bàn tay đã giảm”.
Mặc dù việc tập vật lý trị liệu cho bàn tay đứt lìa sau khi nối vô cùng quan trọng nhưng nhiều người không quan tâm. Đơn cử hạn chế năng lực lao động, ngón tay cong, cứng còn gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây vướng víu và dễ bị đau, bị gãy. Ngón tay đứt lìa sau khi nối sẽ có thể phục hồi đến 80% nếu người bệnh chăm chỉ tập vật lý trị liệu.
Ngón cái quan trọng nhất, chiếm khoảng 50% chức năng cả bàn tay. Kế đến là ngón trỏ và ngón giữa, mỗi ngón chiếm độ 20% chức năng bàn tay. Cuối cùng là ngón áp út và ngón út, mỗi ngón chiếm khoảng 5% chức năng bàn tay. Bình quân mỗi tuần BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM tiếp nhận hơn 100 trường hợp bị vết thương bàn tay do tai nạn các loại. Trong đó, số nạn nhân bị đứt lìa ngón tay chiếm tỉ lệ khá nhiều. TS-BS MAI TRỌNG TƯỜNG, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình BV Chấn thương-Chỉnh hình TP.HCM |