Các máy bay ném bom B-52, B-2, B-21 của Mỹ tới đây sẽ được trang bị tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, theo National Interest.
Không quân Mỹ vừa ký với hai tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin và Raytheon hai hợp đồng trị giá 900 triệu USD mỗi cái để phát triển tên lửa hành trình tàng hình tầm xa (LRSO) mang đầu đạn hạt nhân.
Máy bay ném bom B-52 của Mỹ. Ảnh: NATIONAL INTEREST
Mỗi hợp đồng có thời hạn 54 tháng. Trong thời gian này, hai tập đoàn sẽ cạnh tranh thể hiện năng lực công nghệ và giảm thiểu rủi ro trong thiết kế của mình. Kết thúc 54 tháng này, Trung tâm Vũ khí hạt nhân không quân sẽ chọn ra một nhà thầu tiến hành các giai đoạn phát triển, sản xuất và triển khai, bắt đầu vào năm 2022.
“Vũ khí này sẽ hiện đại hóa nhánh trên không trong bộ ba hạt nhân” - National Interest dẫn lời Bộ trưởng Không quân Mỹ Heather Wilson.
Thay thế tên lửa AGM-86B
Tên lửa LRSO dự kiến sẽ được trình làng vào cuối thập niên 2020. Tên lửa này phù hợp trang bị cho tất cả máy bay ném bom của Mỹ như Boeing B-52, Northrop Grumman B-2, B-21 Raider, thay thế cho tên lửa hành trình tốc độ dưới âm phóng từ trên không AGM-86B.
“Bộ trưởng Wilson và tôi có trách nhiệm tổ chức, đào tạo, trang bị và giới thiệu sức mạnh hạt nhân cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ John Hyten. LRSO hoàn toàn phù hợp để hỗ trợ các kế hoạch chiến tranh của tướng Hyten” - Tham mưu trưởng không quân David L. Goldfein nói.
Tên lửa hành trình không đối đất AGM-85B. Ảnh: REUTERS
Cả Lockheed Martin và Raytheon đều tỏ ý hài lòng vì được chọn vào chương trình phát triển LRSO.
“LRSO sẽ cung cấp loại tên lửa đánh chặn thế hệ mới cho nhánh trên không trong bộ ba hạt nhân. Kinh nghiệm đã được chứng minh của Lockheed Martin trong phát triển công nghệ các hệ thống tên lửa hành trình và chiến lược sẽ cung cấp năng lực bảo vệ đất nước và đồng minh” - ông David Helsel, Giám đốc chương trình LRSO tại bộ phận kiểm soát tên lửa và hỏa lực Lockheed Martin, nói.
Đối phó năng lực phòng không Nga, Trung Quốc
Các chuyên gia kiểm soát vũ khí từng đặt câu hỏi tại sao không quân Mỹ cần trang bị LRSO vào các máy bay ném bom như B-21 Raider. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích quốc phòng, câu trả lời rất đơn giản. Về dài hạn, không quân Mỹ cho rằng các máy bay ném bom dù tàng hình nhất cũng khó có thể lọt qua hàng rào giám sát không phận dày đặc khi năng lực phòng không của Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển.
“Bộ Quốc phòng nên từ bỏ suy nghĩ rằng máy bay của mình luôn có thể sử dụng các loại vũ khí tầm ngắn, tấn công trực tiếp các mục tiêu được các hệ thống phòng thủ tiên tiến bảo vệ” - theo ông Mark Gunzinger, một cựu phi công B-52 và hiện là nhà phân tích tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và ngân sách Mỹ. Theo ông, thậm chí với máy bay ném bom tàng hình khả năng lớn cũng cần đến tên lửa LRSO.
“Tấn công các mục tiêu được bảo vệ sẽ phải cần đến vũ khí tấn công tầm trung. Chúng tôi đề xuất tên lửa hành trình hạt nhân tầm trung. Còn các loại máy bay không xâm nhập được dĩ nhiên sẽ phải cần sử dụng vũ khí LRSO” -ông Gunzinger nói.
Máy bay ném bom B-21 Raider của Mỹ. Ảnh: AUTO EVOLUTION
Đồng tình nhận định này, các quan chức quốc phòng hàng đầu Mỹ nói họ không thể trông chờ vào khả năng chống chọi của B-21 Raider với các hệ thống phòng không tiên tiến của các nước.
“Chúng tôi không hy vọng sẽ luôn luôn phá vỡ được các hệ thống phòng không tiên tiến của kẻ địch. Vì thế có được khả năng tấn công từ khoảng cách xa sẽ rất quan trọng” - trợ lý bộ trưởng Quốc phòng phụ trách chiến lược, kế hoạch và năng lực từng nói với Quốc hội Mỹ năm ngoái.
Theo tướng không quân về hưu David Deptula (từng là phi công máy bay chiến đấu F-15), tên lửa LRSO và máy bay B-21 Raider là các vũ khí bổ sung cho nhau. Đặc biệt khi hệ thống phòng không của kẻ địch phát triển, sự kết hợp của máy bay B-21 Raider và tên lửa LRSO sẽ giúp Mỹ thắng thế.
“B-21 và LRSO không có cái nào dư thừa cả, chúng phụ trợ cho nhau. Các máy bay B-21 một khi chở theo LRSO có thể thực hiện cùng lúc nhiều cuộc tấn công vào nhiều mục tiêu, tăng thách thức cho kẻ địch” - tướng Deptula nói với National Interest.