Theo hãng tin Reuters, được lên kế hoạch nhiều tháng trước đó, cuộc thử nghiệm phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Thái Bình Dương đã đạt được thành tựu đáng kể sau vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 4-7 của Bình Nhưỡng.
Đây là cuộc thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trong việc đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM). IRBM là loại tên lửa được các chuyên gia nhận định là bay nhanh hơn và khó đánh trúng hơn so với tên lửa tầm ngắn hơn.
Tên lửa Triều Tiên trong một lần thử nghiệm. Ảnh: REUTERS
Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ cho biết IRBM được thiết kế với mục đích tương tự như các loại tên lửa có thể đe dọa Mỹ.
“Cuộc mô phỏng THAAD đánh chặn thành công một đe dọa tên lửa đạn đạo tầm trung đã tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia này trước các đe dọa tên lửa ngày một gia tăng từ Triều Tiên và các quốc gia khác” - cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ nói trong một thông cáo.
Washington đã triển khai THAAD tới đảo Guam và Hàn Quốc nhằm giúp ngăn chặn các đe dọa từ Bình Nhưỡng. Là hệ thống phòng thủ tên lửa được lắp đặt dưới đất, THAAD có thể bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và liên lục địa.
Trong vụ thử nghiệm mới nhất này, một THAAD ở Kodiak, Alaska đã đánh chặn một mục tiêu tên lửa đạn đạo được phóng trên không từ một máy bay C-17 đang bay ở phía Bắc Hawaii, thông cáo của cơ quan trên cho biết.
Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin, nhà thầu chính cho THAAD, cho biết hệ thống này có thể đánh chặn tên lửa đang lao tới từ cả bên trong lẫn bên ngoài bầu khí quyển của Trái đất.
Mỹ đã triển khai THAAD tới Hàn Quốc trong năm nay để phòng thủ trước tên lửa tầm ngắn hơn của Triều Tiên. Động thái này đã khiến Trung Quốc và Nga tức giận. Đầu tháng này, Moscow và Bắc Kinh trong một thông cáo chung yêu cầu Washington ngay lập tức dừng triển khai THAAD ở Hàn Quốc.