Vừa qua Ban Quản lí An toàn thực phẩm TP.HCM công bố hiện trạng gần 50% mẫu rau quả, trái cây ở chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất có hại. Cùng với đó, hơn 40% mẫu hải sản cũng phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất.
Thông tin này nhanh chóng nhận được nhiều sự quan tâm từ người tiêu dùng. Trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều bài viết đăng bán máy khử ozone trong sục rửa thực phẩm. Người bán cho biết loại máy này có khả năng khử khuẩn đến 99% các loại vi khuẩn và hóa chất bảo vệ thực vật, giúp bữa ăn thêm an toàn. Với thông tin trên, không ít bà nội trợ đặt mua, dù giá của loại máy này không hề rẻ, giao động từ 1.5 triệu đến trên 5 triệu đồng, tùy loại và thương hiệu.
Các loại máy khử khuẩn, máy khử ozone được bán nhiều trên các nền tảng mạng xã hội. ẢNH: HẠ QUYÊN |
Trước thói quen tiêu dùng này, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết hiện nay chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định rằng khử ozone có thể giúp loại bỏ các hóa chất bảo vệ còn tồn dư trong thực phẩm.
“Máy khử ozone có thể làm sạch các vi khuẩn bám trên bề mặt thực phẩm chứ không có tác dụng loại bỏ hóa chất độc hại thấm sâu vào rau củ như thuốc trừ sâu, trị nấm, thuốc bảo vệ thực vật…”- PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Trước đó, TS Lương Hữu Phước, Giảng viên Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách Khoa Hà Nội trả lời trên VTV rằng, công dụng chính của ozone là xử lý bề mặt, giúp người dùng xử lý lượng tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc trừ sâu còn bám trên vỏ rau, củ, quả. Trong khi, những chất bảo quản đã ngấm quá sâu vào sản phẩm, gần như không cách nào có thể xử lý, kể cả khi sử dụng máy ozone.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm, ngay cả nơi bán “rau an toàn” cũng chưa chắc đã an toàn, do đó khi mua thực phẩm, dù là thực phẩm ở chợ hay cửa hàng, thì vẫn phải nhặt các sản phẩm bị hư hỏng, héo, úa rồi rửa nhiều lần với nước sạch.
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, đối với rau, củ, quả con đường duy nhất để làm sạch và giảm bớt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (nếu có) trên thực phẩm là rửa bằng nước sạch. Tuy nhiên trước khi rửa, cần loại bỏ các chỗ dập nát, vì rau bị dập nát nếu còn hoá chất bảo vệ thực vật sẽ ngấm vào các tế bào bị dập nát nhanh hơn rất nhiều so với tế bào nguyên vẹn. Sau đó ngâm trong nước lạnh khoảng 5- 10 phút rồi thay nhiều lần nước.
“Nguyên tắc là phải rửa nhiều nước đừng cho rằng thấy rau hình thức không có đất, bùn là rất sạch mà rửa sơ sơ. Khi rửa cần phải rửa lâu, rửa bằng tay, lưu ý những khe cuống lá… để tách chất bẩn”- PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh thông tin.
Cuối cùng trước khi để ráo nước và nấu, nên rửa lại dưới vòi nước để rửa đi hết, vì nếu chỉ ngâm rau rồi nhấc ra thì rất có thể thuốc bảo vệ thực vật (nếu có) vẫn còn dính trên lá.
“Trong quá trình rửa cần cố gắng tránh làm cho rau bị dập nát, vì khi đó rất dễ khuếch tán những chất độc vào tế bào rau. Việc làm này có tác dụng rất lớn làm giảm mức tối đa nếu như rau nhiễm hoá chất bảo vệ thực vật. Không những thế làm giảm những chất bẩn khác từ nơi sản xuất rau mang về”, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.