Con trai bà Phấn - anh Nguyễn Ngọc Trí, 54 tuổi (thường gọi là Bé Năm), ngụ ấp Phú Phong, xã Quới Thành (huyện Châu Thành, Bến Tre) đã mất tích sáu năm nay. Anh Trí có biểu hiện chậm phát triển về trí não nhẹ, sống chung với cha mẹ và vợ chồng người em út là anh Bé Chín.
Mất tích hai tháng, cắt luôn chế độ
Bà Phấn kể về người con trai thứ năm của mình: “Người ta nói con tui bị chậm phát triển trí não nhẹ nhưng nó hiền khô. Nó cao to vạm vỡ nên phụ giúp vườn tược rất giỏi. Sáng nào nó cũng chở tui đi chợ bằng xe đạp rồi ngồi trên lan can cầu chờ chở mẹ về chứ không la cà quán xá. Ở nhà ai cho gì ăn nấy, tuyệt đối không đòi hỏi...”.
Bà Phấn mòn mỏi đi tìm anh Trí nhiều năm nay. Ảnh: T.PHÚC
Cách đây hơn sáu năm, sau khi chồng mất, bà Phấn ngã bệnh. Bà được người con sống ở Mỹ Tho (Tiền Giang) rước sang để đưa đi bệnh viện. Bé Năm ở nhà nhớ mẹ, một mình đạp xe gần 20 km, qua cầu Rạch Miễu cao chót vót để thăm mẹ. Quà anh đem cho bà là bốn trái dừa tươi còn nguyên vỏ.
Buổi chiều, anh đòi về để sáng đưa cháu đi học nhưng người chị thứ tư giữ lại vì trời đã tối. Sáng hôm sau, Bé Năm thức dậy về quê thật sớm, trên chiếc xe cà tàng anh còn đem theo một cây kiểng của người thân gửi cho. “Không ngờ buổi sáng đó (23-3-2011) nó đi mất biệt luôn không về nhà nữa” - bà Phấn đau buồn nói.
Cả nhà tỏa đi khắp nơi tìm kiếm nhưng vô vọng. Anh Bé Chín cho biết: “Gia đình tui có lên xã thông báo anh tui bị mất tích nhưng không thấy chính quyền hay công an đến tìm hiểu gì. Khoảng hai tháng sau họ cắt chế độ trợ cấp bệnh tật của anh tui”.
Anh Bé Năm và mẹ trong một lần đi chơi. Ảnh: T.PHÚC
Nhọc nhằn tìm con như mò kim đáy bể
Suốt 10 ngày đầu khi anh Bé Năm đột ngột biến mất, gia đình rong ruổi khắp các bệnh viện ở Tiền Giang, Bến Tre... dò hỏi. Nghe tin có người chết, tai nạn đều tìm đến nhận diện, “thoát” lần nào mừng lần đó. Cả nhà còn đến BV Tâm thần Tiền Giang, chờ đến giờ bệnh nhân ăn cơm để nhìn mặt, xem anh Bé Năm có bị đưa vô đây không.
Rồi họ đi xem bói, tìm đến những thầy “có tiếng”, ai cũng phán chắc nịch: “Vài ngày nữa tín nam sẽ trở về” nhưng đợi suốt sáu năm vẫn chẳng thấy. Ngoài rao tìm người thân trên báo, gia đình còn nhờ các đài phát thanh, truyền hình thông báo suốt nhiều tuần liền, tốn bộn tiền mà vẫn không tìm thấy.
Gia đình tiếp tục phóng to ảnh anh, mang đi hỏi từng người ở khắp trong ngoài tỉnh. Ai chỉ hướng nào chạy đường đó, ra tới đảo Khỉ, biển Cần Giờ (TP.HCM), xuống Ba Động (Trà Vinh), lên tận rừng cao su (Bình Phước)…
Đau đớn nhất là có nhiều người chọc ghẹo, nói bừa “mới thấy ổng ở đây nè” hoặc “ổng vừa đi khỏi đây” khiến gia đình mừng hụt. Một lần có nhóm thanh niên sửa đường nông thôn ở khu vực cầu dây văng cạnh chùa Minh Đức nói thấy anh Bé Năm lang thang ở đó mấy ngày qua. “Gia đình tui lùng tìm khắp các khu mộ, vườn hoang liên tiếp nhiều ngày mà có thấy gì đâu” - em trai anh kể.
Cộng đồng ai biết thông tin của anh Bé Năm (ảnh), vui lòng báo về
số điện thoại 01668991712. Ảnh: Gia đình cung cấp
Những cuộc tìm kiếm thưa dần sau hơn một năm rưỡi, mọi người dần tuyệt vọng. Bà Phấn cũng cạn khô nước mắt khóc con. Mặc dù vậy mọi người vẫn mong có thể anh bị dụ dỗ, đưa đi làm không công cho các đầm tôm ở cạnh biển Bến Tre, Tiền Giang hoặc lên miệt biên giới Long An hay sang Campuchia… Gia đình mong ai biết thông tin của anh Bé Năm, xin báo cho anh Bé Chín theo số 01668991712.
Nói về trường hợp này, ông Phan Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Quới Thành, cho biết có nhận được tin báo của gia đình. Theo ông, xã đã báo cáo vụ việc trong cuộc họp giao ban cấp huyện, vấn đề còn lại thuộc trách nhiệm của cấp trên. Riêng chế độ trợ cấp, theo quy định nếu gia đình thông báo anh không còn cư trú tại địa phương nhiều tháng liền thì xã phải có trách nhiệm báo cáo về huyện để Phòng LĐ-TB&XH ngưng cấp phát.
Một ấp có hai trường hợp mất tích Cùng ở ấp Phú Phong còn có trường hợp ông Lê Văn Đấu (SN 1946) mất tích từ đầu năm 1999 đến nay. Bà Sương, vợ ông Đấu, cho biết đã làm đơn xin ấp xác nhận để làm thủ tục báo mất tích. Tuy nhiên, trưởng ấp không làm và xã cũng… quên luôn. Về việc này, ông Phan Tấn Đức, Chủ tịch UBND xã Quới Thành, khẳng định: “Trường hợp ông Đấu, chính quyền xã biết rõ ông đã rời địa phương đến nay hơn 18 năm, không có lý do gì mà từ chối xác nhận để vợ ông tiến hành các thủ tục pháp lý khác. Tới đây tôi sẽ đề nghị bà Sương làm lại đơn. Đích thân tôi sẽ ký xác nhận”. |