“Năm 2016, BV Mắt TP.HCM ghi nhận 186 trường hợp bị vỡ nhãn cầu. Tuy nhiên, chỉ mới chín tháng đầu năm 2017, con số đó hiện là 139. Vỡ nhãn cầu do tai nạn liên quan đến mắt đang có chiều hướng gia tăng khiến nhiều bệnh nhân bị mù” - bác sĩ (BS) Phạm Nguyên Huân, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Mắt TP.HCM, nhận định.
Theo ba cho gà ăn, bé vỡ nhãn cầu
Chiều 20-10, bé TCĐ (bốn tuổi, ở tỉnh Long An) được mẹ đưa tới BV Mắt TP.HCM để tái khám sau một tuần phẫu thuật. Nghe BS nói bé Đ. chỉ có thể nhận thức được ánh sáng chiếu vào, không nhìn rõ vật dụng ở gần, mẹ bé bưng mặt khóc.
Mẹ bé Đ. kể: “Buổi tối tôi tập thể dục bằng cách lắc vòng. Chiếc vòng tôi lắc làm bằng nhựa và mua khá lâu nên bị giòn. Trong lúc lắc tôi vô tình để vòng va trúng tường nên bể nát. Bé Đ. chơi gần đó bị mảnh nhựa văng trúng mắt phải”.
Bé Đ. được mẹ đưa tới BV Mắt TP.HCM trong tình trạng mắt nhìn mờ, đau nhức. BS chẩn đoán bé bị vỡ nhãn cầu nên tiến hành khâu giác mạc bảo tồn.
Tương tự, bé NTTH (năm tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) cũng bị vỡ nhãn cầu mắt trái do gà mổ. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên BS buộc phải múc bỏ mắt trái bé H. Gia đình cho biết trong lúc cha rải lúa cho gà ăn thì bé H. chạy tới chơi. Bé bắt chước cha hốt nắm lúa rải cho mấy con gà trống. Trong lúc giành ăn, một con gà trống bất ngờ bay lên mổ trúng mắt trái bé H.
Bà Mai Thị Cẩm Nhung, điều dưỡng trưởng khoa Mắt nhi BV Mắt TP.HCM, cho biết gà mổ mạnh đến nỗi vỡ nhãn cầu nên các BS không thể giữ lại mắt trái cho bé H.
Bác sĩ đang phẫu thuật cho một bệnh nhân bị chấn thương mắt. Ảnh: TRẦN NGỌC. Mắt phải của một trẻ bị vỡ nhãn cầu do vật cứng, sắc nhọn văng trúng (ảnh nhỏ). Ảnh: NGUYÊN PHẠM
Mù mắt do nắp khoén, dây thun
Mới đây, ông THT (39 tuổi, ở TP.HCM) được đưa vô BV Mắt TP.HCM trong tình trạng mắt phải đau nhức, nhắm nghiền. Ông T. cho biết do dùng sức khi khui nắp chai nước ngọt nên nắp khoén bật lên khá mạnh và trúng vô mắt.
Sau khi khám, BS kết luận mắt phải ông T. bị rách giác củng mạc, vỡ nhãn cầu. Do vết thương không thể cứu chữa nên các BS phải múc bỏ mắt.
Tương tự, chị HTH (21 tuổi, ở Bình Phước) cũng bị múc bỏ mắt phải do vỡ nhãn cầu. Trong lúc chị H. lui cui ràng đống củi trên xe đạp thì bất ngờ dây thun bung ra. Móc của dây thun văng trúng mắt phải và vướng tại hốc mắt.
Tại BV Mắt TP.HCM, các BS xác định mắt phải chị H. bị rách giác củng mạc, phòi (lòi - PV) mống, viêm mủ nội nhãn… Các BS buộc phải múc bỏ mắt vì không thể cứu chữa.
Hãy cố giữ “con ngươi”
BS Phạm Nguyên Huân, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp BV Mắt TP.HCM, cho biết BV này tiếp nhận nhiều trường hợp chấn thương mắt do các mảnh kim loại (tôn, đinh…), mảnh đá mài văng trúng. Đặc biệt là móc dây thun dùng ràng hàng hóa vào xe. “Chưa hết, không ít trẻ em bị chấn thương mắt do các vật sắc nhọn (kéo, dao…) gây ra hoặc bị cò, gà mổ trúng” - BS Huân nói.
Theo BS Huân, hầu hết trường hợp chấn thương mắt đều bị giảm thị lực. Một số trường hợp giữ được mắt nhưng không thể nhìn thấy. Không ít trường hợp phải múc bỏ mắt. “Công nhân nhà máy cơ khí hoặc hóa chất, thợ xây dựng, nông dân rải phân hoặc xịt thuốc sâu, thợ mài đá hoặc cắt sắt… thường bị chấn thương mắt do thiếu ý thức bảo vệ mắt (không đeo kính, dụng cụ bảo hộ) hoặc không được trang bị đầy đủ kỹ năng an toàn lao động” - BS Huân cho biết.
Cũng theo BS Huân, cha mẹ không nên để những vật sắc nhọn trong tầm với của trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường nâng cao giáo dục học sinh phòng tránh những tai nạn chấn thương mắt do viết chì, compa gây ra trong lúc đùa giỡn.
Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra sự tuân thủ bảo hộ an toàn lao động nhằm giảm thiểu tối đa những tai nạn đáng tiếc liên quan đến mắt cho người lao động. Bên cạnh đó, phối hợp với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng đưa ra tiêu chuẩn cho các công cụ lao động. Chẳng hạn thay móc sắt trong dây thun bằng móc có đầu nắp nhựa chụp. Sử dụng loại dây có bản rộng, độ đàn hồi vừa đủ… Khi mắt bị tổn thương, nếu có sẵn gạc thì băng nhẹ rồi nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Lưu ý không được dùng tay đè mạnh lên vết thương hoặc rửa nước. BS PHẠM NGUYÊN HUÂN, Phó Trưởng phòng |