#MeToo có thể sụp đổ vì Cristiano Ronaldo

Các nhà hoạt động vì phong trào chống lạm dụng tình dục với phụ nữ #MeToo có thể sẽ phải chứng kiến phong trào này gặp nguy nếu họ nhất định làm tới cùng cáo buộc tấn công tình dục nhắm vào siêu sao bóng đá Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo, RT nhận định.

Nói cách khác, các nhà hoạt động #MeToo có rủi ro sẽ gặp phản ứng mạnh nếu quyết liệt làm rõ cáo buộc nhắm vào Ronaldo như với các nhân vật ít nổi tiếng hơn khác. Nhưng họ cũng có thể bị cho rằng “đạo đức giả” nếu như không đi đến cùng, với lý do không tin vào lời người cáo buộc, chỉ vì lý do Ronaldo là một biểu tượng bóng đá.

Đoạn video quay cảnh Cristiano Ronaldo uống rượu, nhảy nhót với cô Kathryn Mayorga trước khi xảy ra cáo buộc cưỡng hiếp ở khách sạn sau đó. Nguồn: YOUTUBE

Làng bóng đá thế giới rúng động khi tạp chí Đức Der Spiegel tuần trước đưa tin Ronaldo 33 tuổi bị dính cáo buộc tấn công và cưỡng hiếp một phụ nữ trong một phòng khách sạn.

Cáo buộc này được luật sư của cô Kathryn Mayorga – năm nay 34 tuổi, một người mẫu bán thời gian – đưa ra. Theo đó, sự việc xảy ra ngày 13-7-2009 tại một phòng khách sạn sòng bài Palms ở Las Vegas, nơi Ronalda đã đưa cô Mayorga về sau khi cả hai nhảy nhót cùng nhau tại một hộp đêm.

Các nhà báo thu thập được một bản sao báo cáo của cảnh sát thời điểm đó, đề cập một “nhân vật công chúng” là “một vận động viên”, đề cập đến một số báo cáo về các vết thương trực tràng, đến việc kiểm tra việc bị cưỡng hiếp. Những chứng cứ này sẽ được lật lại trong cuộc điều tra mới của cảnh sát Las Vegas.

Thời điểm đó, trao đổi với luật sư của mình, Ronaldo thừa nhận có chuyện muốn quan hệ với cô Mayorga nhưng bác bỏ chuyện cưỡng hiếp: “Cô ấy nói cô ấy không muốn, nhưng vẫn cho thấy sự sẵn sàng… Nhưng cô ấy vẫn nói “Không”, “Đừng làm thế”, “Tôi không giống những người khác”. Tôi đã xin lỗi sau đó”.

Dù lúc đó không có kết luận Ronaldo có tội hay không nhưng có tin Ronaldo đã đưa cho Mayorga một khoản tiền để đổi lại sự im lặng.

Cô Kathryn Mayorga vừa đưa ra cáo buộc bị Ronaldo cưỡng hiếp. Ảnh: INSTAGRAM

Cáo buộc nhắm vào Ronaldo tạo ra một cơn địa chấn lớn hơn nhiều, nguy hiểm hơn nhiều so với các cáo buộc khác, vốn đã hủy hoại sự nghiệp và cuộc sống của không ít nhân vật nổi tiếng khác, kể từ khi phong trào #MeToo bắt đầu một năm trước.

Thông thường với những nhân vật khác, có thể hình dung đường đi hậu quả sẽ thế này: Mất tài trợ, bị đình chỉ công việc để giải quyết cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài hàng tháng tới hàng năm. Chưa biết kết cục sẽ thế nào nhưng chắc chắn sự nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí không còn.

Tuy nhiên, trong khi những người nổi tiếng khác chỉ mất vài tiếng sau khi cáo buộc xuất hiện là đã mất tất cả thì với Ronaldo, dù cáo buộc đã có một tuần, siêu sao hầu như chưa chịu trừng phạt gì lớn, ngoại trừ không tham gia hai trận đấu quốc tế không nhiều ý nghĩa. Chuyện Ronaldo bị cáo buộc cưỡng hiếp cũng không quá ồn ào trên truyền thông.

Theo RT, #MeToo có thể không ngăn chặn được Ronaldo, mà ngược lại Ronaldo có thể làm sụp đổ cả toàn bộ phong trào #MeToo.

Sức ảnh hưởng và tình yêu của người hâm mô dành cho Ronaldo quá lớn. Ronaldo là người nổi tiếng được theo dõi nhiều nhất trong cộng đồng mạng xã hội Facabook, được theo dõi nhiều thứ hai ở mạng Instagram và thứ tám ở mạng Twitter.

Ronaldo có lượng theo dõi lớn hơn nhiều so với cầu thủ bóng đá Argentina Lionel Messi, cầu thủ bóng rổ Mỹ LeBron James, ca sĩ Mỹ Beyonce hay Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người ta muốn được biết mọi suy nghĩ, mọi hình ảnh, mọi lịch trình của thần tượng. Ronaldo được xem là hình mẫu của rất nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ.

Ronaldo được chào đón ở Mỹ năm 2009, hai tháng sau khi xảy ra sự cố với cô Mayorga. Ảnh: REUTERS

Câu lạc bộ Juventus - đầu tư hàng trăm triệu USD vào Ronaldo - đã ra tuyên bố rằng “các sự việc diễn ra từ gần 10 năm trước không thay đổi quan điểm” rằng Ronaldo là vận động viên “chuyên nghiệp và tận tâm”, vẫn gọi Ronaldo là “nhà vô địch vĩ đại”. Tập đoàn thể thao Nike nói “quan ngại sâu sắc” nhưng không rút tài trợ với Ronaldo.

Bản thân Ronaldo cáo buộc Der Spiegel đưa tin “rõ ràng bất hợp pháp”, “tin giả”, tâm sự với hàng triệu người hâm mộ mình trên Twitter rằng cáo buộc không có thực.

“Tôi cực lực bác bỏ các cáo buộc nhắm vào mình. Cưỡng hiếp là một tội ác ghê tởm, đi ngược lại niềm tin của tôi. Có thể tôi sẽ làm trong sạch tên tuổi của mình, nhưng tôi từ chối giúp người khác lợi dụng tôi để đánh bóng tên tuổi của họ” – Ronaldo viết trên Twitter ngày 3-10.

Rất nhiều người không chấp nhận chuyện xảy ra với Ronaldo. Ảnh: REUTERS

Cáo buộc của cô Mayorga mạnh hơn so với các cáo buộc tình dục Ronaldo từng gặp trước đây. Tuy nhiên, qua đoạn video, mọi người có thể thấy cô Mayorga đưa đẩy, áp sát người Ronaldo và đoán cái cô muốn là tiền chứ không phải làm đến cùng với cáo buộc.

Phần lớn mọi người, đặc biệt người hâm mộ và luôn dõi theo Ronaldo muốn Ronaldo giải quyết êm đẹp chuyện này, hơn là bị hủy hoại vì lời cáo buộc của cô Mayorga. Và nếu #MeToo quyết làm tới cùng chuyện này, dù đúng hay sai nhiều người vẫn sẽ chọn Ronaldo, nghĩa là #MeToo gặp phản ứng ngược.

Vậy không làm tới cùng vụ Ronaldo thì #MeToo có an toàn không? Theo RT thì không. Tiêu chuẩn đôi trong xử lý các cáo buộc sẽ không mang lại điều tốt đẹp cho các nhà hoạt động #MeToo.

#MeToo không thể nói: Chúng tôi tin tưởng phụ nữ, trừ khi họ đưa ra cáo buộc một vận động viên nổi tiếng.

Vì vậy dù #MeToo lựa chọn thế nào cũng không phải là điều đơn giản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới