Mở cửa kinh tế, giá heo hơi sẽ tăng trở lại

Ngày 25-10, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp ổn định sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Tại đây, nhiều ý kiến cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt heo từ nay đến cuối năm sẽ phục hồi theo độ mở của nền kinh tế.

Có loại thịt heo giá lên tới 415.000 đồng/kg

Vấn đề được dư luận rất quan tâm thời gian qua là giá thịt heo hơi xuống quá thấp khiến nông dân lao đao, trong khi giá thịt heo bán lẻ vẫn cao ngất ngưởng. Liên quan nội dung này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết: Năm 2021, giá heo hơi cao nhất đạt 75.000 đồng/kg. Vừa qua, do nhu cầu giảm, lượng heo quá tuổi xuất chuồng còn ứ đọng khoảng 30%, tương đương 1,5 triệu con với khối lượng trên 120-160 kg/con nên có giá 30.000-35.000 đồng/kg.

Ngành nông nghiệp dự báo giá heo sẽ tăng trở lại trong thời gian tới, tùy thuộc vào tốc độ mở cửa nền kinh tế. Ảnh: TÚ UYÊN

Đến thời điểm hiện tại, giá heo hơi đã tăng nhẹ, dao động 35.000-45.000 đồng/kg tùy vùng. Tuy nhiên, giá thành sản xuất theo chuỗi từ nuôi heo nái đến nuôi heo thịt khoảng 45.000-50.000 đồng/kg. Như vậy, nông dân vẫn lỗ.

Mặc dù giá heo hơi giảm mạnh nhưng giá thịt heo tại các cửa hàng thịt, chợ và siêu thị khu vực nội thành của TP Hà Nội và TP.HCM vẫn ở mức cao, dao động 110.000-200.000 đồng/kg tùy loại thịt. Thậm chí, có loại như thịt nọng giá lên tới 415.000 đồng/kg. Mức giá này tăng cao do khâu lưu thông phân phối.

“Còn giá bán tại sạp thịt heo ở các chợ truyền thống vùng nông thôn, không phải vận chuyển đi xa 80.000-90.000 đồng/kg” - Cục Chăn nuôi cho biết và đánh giá mức giá này là hài hòa lợi ích ba khâu sản xuất - lưu thông phân phối - tiêu dùng.

Cơ quan này cũng nhận định giá heo xuất chuồng sẽ tăng trở lại khoảng hai tuần tới, khi kiểm soát tốt được dịch COVID-19, nới lỏng giãn cách.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cũng cho rằng nhu cầu tiêu thụ thịt heo từ nay đến cuối năm sẽ phục hồi theo độ mở của nền kinh tế. “Giá thịt heo theo cơ chế thị trường, có tăng có giảm nhưng nhìn chung vào cuối năm sẽ tăng cao do nhu cầu tăng lên trong dịp lễ Noel và tết Nguyên đán” - ông Toản nói.

Giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nước ngoài

Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng trong diễn biến giá heo vừa qua cho thấy Bộ NN&PTNT đã chưa xử lý thông tin kịp thời. Ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, dẫn chứng: “Như với thông tin 8 triệu con heo quá lứa đang tồn đọng trong chuồng, đáng lẽ bộ phải lên tiếng ngay rằng đó là thông tin không chính xác để tránh tâm lý người chăn nuôi hoang mang, bán tháo”.

Về giải pháp phát triển ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi heo nói riêng trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bách, Giám đốc Công ty Amavet, nhận định chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm quá cao trong chi phí sản xuất, trong khi số nguyên liệu thức ăn này có đến 90% là nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, vấn đề cần giải quyết là phải giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh.

“Cục Chăn nuôi và Cục Trồng trọt cần liên kết chặt chẽ với nhau để giảm nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, vì phụ phẩm của ngành nông nghiệp rất lớn. Mặt khác, là nước có đường bờ biển dài, thủy sản phát triển nên có thể tận dụng phụ phẩm của thủy sản nhưng mỗi năm nước ta vẫn phải nhập khẩu rất nhiều bột cá” - ông Bách nói.

Ông Bách cũng kiến nghị cơ quan nhà nước cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để giảm nhập khẩu sản phẩm thịt. Bởi hiện nay giá thịt heo ở châu Âu rất rẻ, nếu không có hàng rào kỹ thuật thì thịt heo châu Âu vào Việt Nam rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi trong nước.

“Về công tác thống kê, cảnh báo quy hoạch của ngành chăn nuôi cũng là vấn đề. Vì mỗi lần sau dịch hay giá cả cao thì người chăn nuôi như nấm mọc sau mưa, tiềm ẩn rủi ro rất lớn nếu chúng ta không quy hoạch, cảnh báo tới người chăn nuôi” - ông Bách chia sẻ.

Đại diện Công ty De Heus chia sẻ các giải pháp về chuỗi liên kết và coi đây là vấn đề cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển của ngành nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng. Thế nhưng, việc phát triển chuỗi liên kết giữa các hộ chăn nuôi với doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

“Trong lúc thị trường đầu ra thuận lợi, các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi hay phá vỡ liên kết” - công ty này nêu thực trạng và đề xuất các bộ, ngành xây dựng chương trình liên kết cụ thể hơn. Đặc biệt cần có sự phối hợp với cơ quan pháp luật xây dựng chế tài nếu một trong các bên phá vỡ liên kết.

Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh thời gian tới, bộ tiếp tục tăng cường tổ chức kết nối tiêu thụ, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại chăn nuôi mở rộng thị trường.

Bộ cũng sẽ tăng cường tổ chức hướng dẫn các hộ chăn nuôi sử dụng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có sẵn tại địa phương (cám, bắp, sắn...) tự phối trộn để giảm giá thành; đồng thời đưa ra mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh, hạn chế rủi ro, giảm chi phí trong chăn nuôi.

Bên cạnh đó, bộ cũng kiến nghị Chính phủ xem xét gói hỗ trợ đối với nông dân trực tiếp sản xuất gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào…•

Bộ sẽ làm hết trách nhiệm, không vô cảm

Trao đổi với báo chí trước đó, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết thông tin đang tồn đọng 8 triệu con heo trong chuồng là không chính xác. Chính từ thông tin này đã gây ra hiệu ứng người nông dân lo ngại heo trong chuồng nhiều quá và họ phải bán nhanh, bán đổ, bán tháo bằng mọi giá.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận ngành nông nghiệp chưa làm tròn trách nhiệm, chưa dự báo thị trường và điều tiết được ngay cả trong điều kiện bình thường hay khi có dịch COVID-19. “Ngành nông nghiệp cần chấn chỉnh lại” - ông Hoan nói.

Tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh Bộ NN&PTNT sẽ bám sát thị trường, cho thống kê lại số liệu, phân tích lại đầu cung heo theo từng thời điểm, rà soát lại nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết.

“Người dân cố gắng bình tĩnh, bộ sẽ làm hết trách nhiệm chứ không vô cảm. Bộ sẽ đưa ra con số từng thời điểm nhưng cũng phụ thuộc nhiều vào thị trường bởi thương lái cũng đang cạnh tranh lẫn nhau” - Bộ trưởng Hoan nói.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm