Mở cửa sớm, vì sao khách quốc tế đến Việt Nam thấp?

(PLO)- Ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, Việt Nam chưa có kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và khách sạn. 

Chiều 16-12, đã diễn ra hội nghị bàn tròn với chủ đề: Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột Dịch vụ hàng không - du lịch.

Hội nghị do Báo Nhân Dân phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức với sự tham dự của hơn 30 tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu và các chuyên gia hàng không - du lịch.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân nêu thực tế, Việt Nam mở cửa lại sau COVID-19 rất sớm, tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, ngành dịch vụ du lịch-hàng không chưa phục hồi như kỳ vọng, lượng khách quốc tế thấp hơn nhiều so với một số quốc gia trong khu vực.

Ông Trương Gia Bình, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân phát biểu tại tọa đàm.

Ảnh: VT

Ông Chris Farwell, đại diện Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, về tổng quan, du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh hơn dự báo ở thị trường nội địa, gia tăng hơn 100 triệu lượt khách so với kế hoạch đề ra là 85 triệu khách nhưng du lịch quốc tế không đạt tốc độ phục hồi như dự kiến.

Ước tính cả năm, Việt Nam sẽ đón khoảng 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu 5 triệu lượt khách đến vào năm 2022 và tạo doanh thu khoảng 4,5 tỷ USD.

Khách du lịch quốc tế đến đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu tổng doanh thu của ngành du lịch. Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng 58% tổng thu nhập từ khách du lịch.

Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành du lịch tạo ra. Những con số này cho thấy du lịch quốc tế có vai trò rất quan trọng đối với ngành du lịch Việt Nam, góp phần đem lại nguồn thu cho đất nước.

Lấy dẫn chứng từ các câu chuyện thành công của du lịch các quốc gia trong khu vực sau khi mở cửa, ông Chris Farwell cho hay vấn đề tăng thời gian miễn thị thực trên 30 ngày cho khách quốc tế là một trong những nguyên nhân chính.

Bên cạnh đó, đại diện TAB cho rằng, Việt Nam chưa có kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và khách sạn. Ngoài ra, ngành du lịch còn đang phụ thuộc vào các sáng kiến, dự án mang tính sự việc không thường xuyên hoặc cấp vùng hay khách du lịch nội địa để “nuôi sống” ngành.

Việt Nam cũng đang thiếu một tổ công tác bao gồm tất cả các bên liên quan chính gồm Chính phủ và khu vực tư nhân cùng phối hợp làm việc để xây dựng và triển khai kế hoạch quốc gia phục hồi ngành du lịch.

“Con đường để ngành du lịch phục hồi hoàn toàn và trở lại với mức đóng góp hơn 10% vào GDP đã được xác định rõ nhưng sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng và Chính phủ cần khẩn cấp hỗ trợ ngành du lịch ngay thời điểm này”- đại diện của TAB bày tỏ.

Nhìn nhận về bức tranh toàn cảnh về du lịch Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, du lịch nội địa đã bùng nổ trở lại thuộc loại tốt nhất thế giới, tuy nhiên du lịch quốc tế lại không được tốt.

“Nếu coi du lịch của Việt Nam như là một bộ quần áo thì hình như hoặc là cái quần hoặc là cái áo thì tốt, nửa còn lại chưa tốt”- PGS.TS Trần Đình Thiên.

PGS.TS Trần Đình Thiên nêu thực tế về bức tranh du lịch Việt Nam. Ảnh: VT

Đưa ra nhiều dẫn chứng, ông Thiên cho rằng, đất nước có nhiều cái tốt nhưng thực tế trên là không được.

Tại hội nghị bàn tròn, các lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và đại diện cơ quan quản lý nhà nước đã tập trung thảo luận, nhận diện thẳng thắn những điểm nghẽn chính cản trở đạt mục tiêu thu hút 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế, nguyên nhân tại sao Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế so với các nước trong khu vực dù là một trong những quốc gia có lợi thế về mở cửa sớm nhất, ngày 15-3-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới