Mối nguy cho biển Đông từ hành xử của ông Duterte

Ngày 1-9, Văn phòng tổng thống Philippines thông báo ông Rodrigo Duterte đã trở về nước sau chuyến thăm Trung Quốc (TQ) bốn ngày từ hôm 29-8 vừa qua. Trước đó, ở phiên làm việc ngày 29-8, Tổng thống Duterte như đã hứa đã đề cập việc thực thi phán quyết biển Đông 2016 của Tòa trọng tài với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh nhấn mạnh “đây là quyết định cuối cùng, ràng buộc và không thể thay đổi”.

Đáp lại, ông Tập nhắc lại TQ lâu nay không công nhận phán quyết cũng như sẽ không thay đổi quan điểm. Phát ngôn viên tổng thống Philippines sau đó bất ngờ thông báo sẽ không nhắc lại phán quyết này trong tương lai do Bắc Kinh khăng khăng bảo lưu quan điểm.

Nước cờ sai lầm của ông Duterte

“Đây sẽ là một hành động phản bội lòng tin người dân nếu chính quyền ông Duterte chấp nhận sự chối bỏ của TQ đối với phán quyết mang tính bước ngoặt làm vô hiệu hóa yêu sách ngang ngược của nước này trên biển Đông, trong đó có vùng biển của Philippines” - cựu bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario phản ứng trước quyết định của ông Duterte hôm 1-9, theo tờ The Inquirer. Ông Rosario tiếp tục chỉ trích việc đề nghị Philippines chấp thuận không đưa ra vấn đề này nữa chẳng khác nào một sự thừa nhận rằng “TQ còn cao hơn cả luật pháp”. “Điều này là rất sai. Nó sẽ là một sự phản bội niềm tin mà chúng ta đã đặt vào chính quyền của mình” - ông Del Rosario cho biết thêm.

Đồng quan điểm, Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Philippines) Jay Batongbacal cho rằng đây là nước đi sai lầm, khẳng định nước này cần tiếp tục nhắc lại phán quyết dù Bắc Kinh muốn phủ nhận phán quyết bao nhiêu lần đi nữa. “Chúng ta phải cẩn thận hành xử theo cách Philippines, không nên thừa nhận rằng TQ có bất cứ quyền gì trên biển Đông bởi phán quyết tuyên bố rõ ràng là họ không có quyền. “Đó là lý do vì sao việc chính quyền Manila nói rằng cánh cửa để nhắc lại phán quyết đang khép lại là không đúng. Phán quyết phải được nhắc lại nếu họ làm đúng lời mình đã nói là bảo vệ quyền của Philippines trên biển Đông” - ông Batongbacal nhấn mạnh trên đài ABS-CBN.

Tuy nhiên, trả lời tờ South China Morning Post, GS Jeffrey Ordaniel thuộc ĐH Tokyo (Nhật Bản) chia sẻ ông đánh giá cao động thái và lập trường tôn trọng luật pháp quốc tế của ông Duterte. “Dù cuộc gặp không đem lại giải pháp nào đáng kể cho vấn đề hiện tại, nó cũng có thể được xem là tín hiệu cho thấy một sự thay đổi trong cách tiếp cận của Tổng thống Duterte về biển Đông. Cụ thể, nó cho thấy ông đang nhận ra tầm quan trọng của luật pháp quốc tế” - GS Ordaniel giải thích.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 29-8. Ảnh: SCMP

Khai thác chung với TQ, hiểm họa khó lường

Một nội dung quan trọng khác đạt được trong chuyến thăm TQ của Tổng thống Rodrigo Duterte là hai bên đã quyết định thành lập ủy ban chỉ đạo chung và tổ công tác doanh nghiệp về hợp tác dầu khí. Hoạt động này được thực hiện với mục đích thúc đẩy khai thác chung giữa hai nước đạt được tiến triển mang tính thực chất và xúc tiến việc thăm dò dầu khí chung ở biển Đông với tỉ lệ ăn chia 60-40 nghiêng về Philippines.

Tôi hiểu vì sao chính quyền Philippines hiện tại trở nên thân thiện hơn đối với TQ nhưng họ rất cần một đường lối rõ ràng để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Tổng thống Duterte đã đưa ra rất nhiều tuyên bố khiến mọi người có cảm giác là Philippines đang chấp nhận mọi đòi hỏi của TQ.

Phó Tổng thống Philippines LENI ROBREDO 

Dù vậy, các nhà quan sát đã lên tiếng lo ngại những rào cản pháp lý và hạ tầng của hai bên sẽ gây cản trở tiến trình trên. GS Ordaniel nhấn mạnh điều cần thiết là Manila giữ được quyền giám sát và kiểm soát hoàn toàn trong dự án hợp tác nhạy cảm này. Ông lưu ý việc khai thác dầu khí chung sẽ diễn ra hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và theo hiến pháp nước này quy định, mọi tài nguyên trong khu vực này thuộc quyền quản lý của nhà nước. “Ông Duterte đã cho thấy ông sẵn sàng dùng ảnh hưởng chính trị trong nước để thúc đẩy một quyết định gây tranh cãi như vậy nhưng ông ấy cũng không thể đứng trên luật pháp. Quả bóng hiện đã ở trong sân của TQ rồi, liệu nước này có sẵn sàng nhượng bộ tham vọng chủ quyền biển Đông hay không?” - ông Ordaniel nhận xét.

Trước đó, cựu tổng thống Benigno Aquino III khẳng định Philippines không có nghĩa vụ phải chia sẻ tài nguyên với TQ trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. “Tỉ lệ thương lượng là 60-40 nghiêng về Philippines. Nhưng cuối cùng nó có thể đảo ngược. TQ sẽ cố đạt tới 60 hoặc 70” - ông cảnh báo, khẳng định không thể tin tưởng Bắc Kinh và nhấn mạnh đề xuất của TQ sẽ gây bất lợi cho đảo quốc Đông Nam Á.

Trong bài viết cho tạp chí The Diplomat, chuyên gia Prashanth Parameswaran cho rằng động thái của Philippines đã đặt nước này và cả khu vực vào tình huống hết sức nguy hiểm. Theo đó, TQ đang cố tình tạo ra một bầu không khí giả tạo rằng tình hình tranh chấp đã lắng dịu và có cớ ngăn cản các nước phản đối hành động phi pháp của nước này ở biển Đông. Mặt khác, cái gật đầu của Manila khiến Bắc Kinh càng bạo dạn hơn trong hành vi quấy rối, cưỡng ép và ngăn cản các bên khác tiến hành hoạt động dầu khí hợp pháp. Và như thế, viễn cảnh một biển Đông hòa bình, ổn định sẽ còn xa.

Tập trận chung ASEAN - Mỹ chính thức bắt đầu

Ngày 2-9, lễ khai mạc cuộc tập trận hàng hải ASEAN - Mỹ kéo dài trong năm ngày đã diễn ra tại căn cứ hải quân Sattahip (Thái Lan). Theo The Diplomat, phạm vi tập trung chủ yếu trong khu vực vịnh Thái Lan và ngoài khơi tỉnh Cà Mau của Việt Nam.

Trang tin quân sự Stars and Stripes dẫn nguồn tin từ quân đội Mỹ cho biết bảy nước đã xác nhận gửi tàu tham gia cuộc diễn tập lần này bao gồm Mỹ, Việt Nam, Singapore, Brunei, Philippines, Thái Lan và Myanmar. Các nước còn lại sẽ cử sĩ quan tham gia với tư cách quan sát viên.

Thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc diễn tập lần này sẽ tập trung vào việc đối phó các vấn đề thách thức an ninh hàng hải trong khu vực. “Cuộc diễn tập cũng tiếp tục xu hướng tăng cường hợp tác đa phương giữa hải quân các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực mà khi các nước được nối kết với nhau sẽ là chìa khóa để ngăn chặn các cuộc xâm lược, duy trì sự ổn định và đảm bảo quyền tự do tiếp cận các vùng biển quốc tế” - cơ quan này nhấn mạnh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới