Sở Du lịch TP đánh giá việc có công viên bờ sông sẽ phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy trở thành một trong các sản phẩm du lịch đặc thù của TP. Từ đó thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng, giải trí, thưởng thức các giá trị văn hóa, ẩm thực của khách du lịch quốc tế và nội địa.
“Mỗi quận huyện có lợi thế ven sông cần xây dựng ít nhất một công viên bờ sông cùng với các công trình phúc lợi công cộng, công trình văn hóa, thể thao gắn với hoạt động du lịch đường thủy trên địa bàn” - báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM nêu.
Công viên ven sông gắn với du lịch thủy
Sở Du lịch TP đề xuất cần quy hoạch bổ sung các dự án về du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn và các bè nổi nuôi trồng thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế tài nguyên của mỗi quận, huyện.
Đồng thời kêu gọi đầu tư và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển du lịch đường thủy.
TP cũng nên tăng cường chất lượng dịch vụ ven sông (điểm đến, bến tàu du lịch...) nhằm thu hút khách du lịch với những trải nghiệm cao cấp như hoạt động thể thao dưới nước, biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực, trải nghiệm công viên bờ sông...
Ngoài ra, TP cần kết nối các điểm đến trên các tuyến du lịch đường thủy, tạo điều kiện cho các điểm đến xây dựng và khai thác các mô hình, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.
Trên thực tế, có thể thấy chỉ cần mở không gian ven sông như công viên bờ sông Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) hay công viên bến Bạch Đằng (quận 1) thì sẽ thu hút rất nhiều khách tham quan, người dân và các dịch vụ đi kèm được phát triển.
“TP.HCM cần tính đến việc phát triển bờ sông, kênh rạch như một mô hình công trình công ích. Ở đó sau khi được cải tạo sẽ trồng cây xanh, hình thành các công viên bờ sông và tạo không gian cho mọi người thụ hưởng tài nguyên” ven sông đó” - TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TP.HCM đề xuất.
Theo ông Cương, việc phát triển hành lang ven sông, kênh, rạch rồi hình thành các mảng xanh công cộng là rất quan trọng trong bối cảnh TP đang rất thiếu các công viên cây xanh. Chỉ tiêu cây xanh trên đầu người ở TP.HCM còn thấp nên chúng ta cần tận dụng tối đa các diện tích còn có thể để phát triển mảng xanh.
Đầu tư “thuyền cà phê” để thu hút khách
Sở Du lịch TP đặt chỉ tiêu trong năm 2024 là có thêm ít nhất từ 5 đến 10 sản phẩm du lịch đường thủy mới, thường kỳ. Lượng khách du lịch bằng đường thủy đến TP.HCM phải tăng từ 10-12% so với cùng kỳ.
Sở cũng cho rằng cần vận động doanh nghiệp đầu tư thêm nhiều loại hình phương tiện thủy (du thuyền, tàu nhà hàng, tàu lưu trú...) và đầu tư dự án “Thuyền cà phê” trên các tuyến đường thủy phục vụ nhu cầu của người dân, du khách để tạo sự đa dạng, phong phú cho sản phẩm du lịch.
Các bên liên quan cần xây dựng mới bến, cầu cập, cầu tàu, bến neo đậu và nhà chờ tiện lợi. “Nhà nước chỉ đầu tư các cơ sở đầu và cuối tuyến để đảm bảo thông tuyến và sự tiếp cận thuận lợi cho người dân và các doanh nghiệp. Các cơ sở còn lại thì lập dự án kêu gọi đầu tư từ các nguồn vốn xã hội hóa” - Sở Du lịch TP.HCM đưa ra giải pháp.
Một giải pháp mới nhất là về trải nghiệm tour du lịch đường sông tầm ngắn và tương tác thông minh 3D/36, cập nhật vào các trang thông tin của ngành để du khách có thể nghiên cứu, trải nghiệm thực tế hoạt động du lịch đường thuỷ trên địa bàn TP.
Kế hoạch phát triển năm 2024 của Sở Du lịch TP.HCM
Phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm ngắn
- Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (quận 7) đến huyện Nhà Bè;
- Tuyến du lịch đường thuỷ xuất phát từ bến tàu Bạch Đằng (quận 1): đi bán đảo Bình Quới - Thanh Đa, Bến tàu Tam Sơn, Quận Bình Thạnh; Bến tàu Bình Khánh gắn với Làng nghệ sĩ Hàm Long, Khu đô thị Vạn Phúc TP Thủ Đức…
- Tuyến du lịch đường thuỷ xuất phát từ bến tàu Bạch Đằng (Quận 1) đến Quận 4, Quận 8, Quận 5, Quận 6 (hướng tuyến từ bến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Tàu Hủ đến bến Bình Đông hoặc tiếp tục theo kênh Đôi - Đình Bình Đông - Chợ đầu mối Bình Điền), kết hợp xe điện đi khu phố thuốc bắc Hải Thượng Lãng ông, chợ vải Soái Kình Lâm, Chợ Lớn.. .các Hội quán người Hoa).
- Tuyến du lịch đường thuỷ nội đô tại huyện Nhà Bè (hướng tuyến từ bến tàu Phước Khánh - sông Soài Rạp...).
Phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm trung
- Tuyến du lịch đường thuỷ xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (quận 7): đi huyện Cần Giờ gắn với du lịch biển. Tuyến du lịch đường thuỷ xuất phát từ bến tàu Bạch Đằng (quận 1): đi huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi. Tuyến du lịch đường thuỷ xuất phát từ bến tàu Phước Khánh (huyện Nhà Bè) đến huyện Cần Giờ, liên tuyến đến huyện Cần Giuộc (Long An).
- Tuyến du lịch đường thủy xuất phát từ bến tàu Ngôi Sao Việt (quận 7) đi huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), có thể liên tuyến đến Bình Dương (Cù lao Thạnh Hội (Cù lao Rùa), Cù lao Bạch Đằng...).
Phát triển các tuyến du lịch đường thủy tầm xa (là các chương trình du lịch từ TP.HCM đi các tỉnh trong khu vực): chiều dài hơn 60 km
- Các tuyến du lịch đường thủy từ TP.HCM đi Bình Dương - Tây Ninh hướng phục vụ nhu cầu đi lại của khách vãng lai; tuyến TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương phục vụ nhu cầu giải trí, thể thao của khách (du lịch Golf...); tuyến TP.HCM - Côn Đảo (Bà Rịa, Vũng Tàu, du lịch biển, nghĩ dưỡng, tâm linh, về nguồn).
- Phát triển các tuyến du lịch đường thủy từ TP.HCM đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang đến Campuchia và ngược lại.
- Phát triển du lịch gắn với tuyến phà biển từ huyện Cần Giờ - TP.HCM đi Vàm Láng huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và ngược lại.