Món quà của “thần rừng”

Vùng núi Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) có một rừng cây thuốc Nam như một món quà quý giá mà “thần rừng” đã ban tặng cho cộng đồng người Thái từ bao đời nay. Nhưng phải đến gần 10 năm nay, khi tổ chức SPERI hiện diện thì người dân ở đây mới bắt đầu ý thức được việc khai thác phải song song với giữ gìn, bảo vệ báu vật của “thần rừng”.

Kỳ quan đại ngàn

Bản vùng biên giới Pỏm Om nằm lắt leo trên con đường nhỏ đi sâu vào rừng Hạnh Dịch. Con đường quanh co một bên là núi, một bên là những thửa ruộng nằm ghếch bên bờ sông, thấp thoáng những ngôi nhà sàn gỗ cũ tiệp vào núi…

Trưởng bản Vi Văn Hợi tóc đã lốm đốm sương nhưng thân hình ông như cây lim, cây sến trong rừng. Dẫn chúng tôi vào rừng, ông luôn đi đầu, tay chống gậy, tay cầm rựa phạt những mảng cỏ dại cứ chực “liếm” mất lối đi. Chốc chốc ông lại dừng để kê cục đá bên dòng suối cho những vị khách của rừng chưa quen lối, hay chờ cho mọi người đông đủ để hướng dẫn vào con đường nhỏ khuất sau bụi rậm.

Món quà của “thần rừng” ảnh 1

Một góc bản Pỏm Om, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Nghệ An. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Đi được khoảng 1 giờ, đến một trảng cỏ rộng lớn trên một ngọn đồi, trưởng bản Hợi khoát tay: “Đây, cả vùng núi này là rừng cây thuốc Nam!”. Tôi phóng mắt nhìn xung quanh, núi rừng vây quanh bốn phía. Những chạc dây leo chằng chịt giăng khắp nơi tầng tầng lớp lớp, có lẽ hàng trăm năm qua chưa bị bàn tay con người xâm phạm. Có những cây to năm người ôm không xuể, vút thẳng lên trời như được vị thần rừng cắm vào. Con suối nhỏ rì rào len lỏi dưới các lùm bụi.

Trưởng bản Hợi vừa đi vừa chỉ vào các cây, ông giải thích cây này dùng để làm thuốc dạ dày, cây kia là thành phần không thể thiếu cho thang thuốc trị tim mạch. “Có những loại cây vốn là cây độc nhưng nếu biết kết hợp với những vị khác thì cho ra những thang thuốc hiệu nghiệm. Có những loại cây chỉ được hái vào một thời khắc nhất định của ngày và dĩ nhiên có cả những cây dùng làm thuốc “Minh Mạng” tăng cường khả năng “chuyện ấy”...” - trưởng bản Hợi giảng giải.

Cả một vùng rừng núi mênh mông, cây nào cũng có khả năng cứu người. Chúng tôi say mê khu rừng, quên hết bao mệt nhọc của chuyến đi. Một thế giới hoàn toàn khác biệt, êm đềm và tuyệt đẹp như rũ bỏ khỏi thế giới tấp nập bộn bề ngoài kia…

Tủ thuốc chung của cộng đồng

Rừng thuốc Nam tại vùng Hạnh Dịch, Quế Phong đã tồn tại từ bao đời nay. Không biết từ bao giờ người Thái đã đến đây, phát hiện và khai thác. Theo nghiên cứu của viện SPERI, rừng cây thuốc Nam này là hoàn toàn tự nhiên, tự sinh tự dưỡng và chỉ thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng này. Nếu đem những cây thuốc ở đây đi trồng nơi khác thì không thể sống hoặc những tính năng sẽ không còn hiệu dụng nữa.

Anh Lương Quốc Việt, Phó Chủ tịch xã Hạnh Dịch, cho biết: “Đặc biệt, ở đây có cây Chữ Mù Tình, tiếng Thái có nghĩa là… con heo nhảy. Thuốc này ai uống vào thì có sức mạnh như con heo rừng đang lao nhảy. Cây này chỉ mọc ở vùng rừng núi Hạnh Dịch và là thành phần trong hầu hết các loại thang thuốc của bà con”.

Món quà của “thần rừng” ảnh 2

Các chuyên gia của SPERI và bà con bản Na Xai trong một buổi sinh hoạt về bảo vệ rừng. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Anh Việt cho biết ngoài cây Chữ Mù Tình, cộng đồng thầy thuốc Nam ở đây còn có những thang thuốc Nam vô cùng hiệu quả chuyên trị giảm đau, các bệnh về bao tử, tim mạch… Người dân không trữ thuốc trong nhà mà các loại thuốc đều do các thầy thuốc Nam trong bản bào chế và lưu giữ. Ai có bệnh gì thì đến “tủ thuốc của bản” xin thuốc. Các thầy thuốc thường là các trưởng bản hay các già làng có kiến thức, nắm giữ các bài thuốc gia truyền và bào chế. Điều này đảm bảo các loại thuốc được bào chế sử dụng đúng cách.

Có một thời rừng Hạnh Dịch gần như vô chủ, mặc ai nấy khai thác vô tội vạ. Năm 1999, Nghị định 163 về giao đất giao rừng ra đời nhưng vẫn không triển khai đến người dân ở đây. Nông trường cao su Quế Phong trồng rừng cao su lốm đốm ở nhiều bản, xâm phạm vào cả rừng thiêng và rừng đầu nguồn. Chỉ đến năm 2002, Viện SPERI đến hướng dẫn và tổ chức thì người dân nơi đây mới bắt đầu ý thức khai thác và phát triển rừng cộng đồng.

Báu vật rừng thiêng

Với người Thái rừng là không gian sinh tồn, để làm nương rẫy, làm nhà ở, nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đất rừng cũng là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, với những khu rừng thiêng như Lắc Xưa (vùng thờ những người khai đất lập bản), Sần (rừng thiêng, để tổ chức các lễ truyền thống), Đồng (rừng nghĩa địa). Cộng đồng có niềm tin vào thần núi, thần rừng, thần nước… Chính những niềm tin đó đã tạo nên sức mạnh giúp cộng đồng bảo vệ và phát triển rừng. Họ giữ đất giữ rừng theo luật tục. Ranh giới thôn bản được đại diện các bản phân định, nếu có vướng mắc gì thì già làng và chủ đất đứng ra giải quyết.

Người Thái có tổ chức truyền thống của cộng đồng như phường hội, những nhóm người của dòng họ, khu dân cư tự nguyện đổi công, giúp đỡ vốn, cùng làm vườn, gặt lúa, làm nhà… Ban quản lý rừng cộng đồng ngoài già làng, bí thư, trưởng bản còn có các trưởng họ. Các trưởng họ có tiếng nói và đóng vai trò lãnh đạo phường hội.

Món quà của “thần rừng” ảnh 3

Thầy thuốc Nam Vi Văn Hoài tại bản Pỏm Om đang hái thuốc. Ảnh: NGUYỄN DÂN

Thu nhập từ rừng thuốc Nam tuy không nhiều nhưng mỗi khi thu hoạch, ngoài phần dành ra cho chủ đất, một phần (bao gồm thuốc + lợi nhuận) sẽ được sung vào quỹ chung. Quỹ chung này sẽ được làm những việc chung trong cộng đồng hay để giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn.

Cả huyện Quế Phong có cả chục ngàn hecta rừng phong phú các loại cây thuốc Nam với thành phần loài hết sức đa dạng. Đến nay, nhiều loài cây tái sinh, phục hồi, độ dày tầng đất rừng đã tăng lên. Đặc biệt, có bốn khu rừng với 10 ha tập trung toàn cây thuốc Nam, chưa kể các vườn thuốc Nam của dân bản xây dựng như vườn ông Hà Văn Tuyên ở bản Pỏm Om, vườn ông Vi Văn Nhất, ông Vi Văn Thành ở xã Na Xai…

Và điều quan trọng là nhờ sự khơi gợi của tổ chức SPERI, cộng đồng người Thái bản địa ở đây đã bắt đầu có ý thức bảo vệ và khai thác rừng có hiệu quả. Đó cũng là cách người Thái nâng niu, trân trọng báu vật do “thần rừng” ban tặng.

SPERI là một tổ chức phi chính phủ, chuyên nghiên cứu bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, gắn liền với việc phát triển đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng. SPERI đã đốc thúc giao hẳn rừng bằng sổ đỏ cho các bản, từ đó cộng đồng phân chia vùng rừng cho từng hộ. Điều này khiến họ thấy mình là chủ thật sự của những mảnh rừng.

Song song đó, SPERI hướng dẫn việc bảo vệ và khai thác rừng hiệu quả nhất. Khi được giao rừng, Trung tâm SPERI đã dựa vào luật tục, tinh thần gắn bó của người Thái để hướng dẫn cộng đồng sử dụng rừng vì sinh kế và văn hóa cộng đồng, không vì lợi nhuận, mua bán…

Với đất rừng, cộng đồng có không gian để thực hành và giữ gìn các giá trị văn hóa, có điều kiện để tổ chức các lễ hội - một yếu tố quan trọng để liên kết tính truyền thống cộng đồng . Đến nay SPERI đã giúp giao một số đất rừng tại 8/11 bản. Chỉ còn ba bản Na Xai, Hủa Mướng và Chiến là chưa giao xong.

NGUYỄN DÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm