Những kỷ lục đau buồn của người mù ấy, cứ làm người sáng mắt thấy tăm tối, buốt lòng.
Chân dung “Việt mù”.
Tuổi thơ quá bất hạnh
Thị xã Cao Bằng thời mới tinh tươm lắm. Trong một góc phố ven sông Bằng của phường Hợp Giang, Lê Văn Việt (54 tuổi) đợ nhờ góc xiên xẹo ba bề gió thốc của cái hiên nhà công vụ gì đó xây từ thời bao cấp. Tài sản chỉ là một cái hòm gỗ, đặt trên một chiếc giường cá nhân, trong hòm có bộ quần áo, giấy khám sức khỏe, cái hồ sơ dán ảnh và vệt điểm chỉ đen kịt (ông Việt không biết chữ) để đệ lên UBND thị xã Cao Bằng xin được vào Hội Người tàn tật, vào Trung tâm Bảo trợ xã hội sống nốt những ngày tàn.
Bây giờ nhiều bệnh tật, không còn ai thân thích, mắt mù, án tù đã mãn nhưng cái tiếng xấu vẫn râm ran khắp cái “thị xã bé trong một tầm tiếng gọi” này. Thấy có khách lạ thăm “Việt mù”, cả xóm chợ kéo đến góp chuyện, một bà nói: “Tay Việt này bây giờ hoàn lương rồi, 3 năm nay (kể từ khi ra tù.BT) không trêu ghẹo ai, sao Nhà nước không cưu mang người khổ như anh ta? Chúng tôi vẫn hay góp ít thức ăn, vài đồng lẻ cho Việt kẻo phải tội lắm”.
Việt kể: “Tôi sinh ra ở mỏ thiếc Tĩnh Túc, Cao Bằng. Bố tôi lên là Lê Văn Ích, người Tày, đã chết. Mẹ là Nông Thị Thúy V., cũng đã chết. Mẹ tôi, nói thẳng là gái bán hoa, bây giờ người ta nói là ca-ve. Hồi bố tôi đi vắng, mẹ tôi bán tôi cho gia đình một người Dao không có con trai ở Nguyên Bình, phía giáp Bắc Cạn. Bấy giờ người Dao vô sinh hoặc “hữu sinh vô dưỡng” nhiều, họ toàn đi mua trẻ con về làm con nuôi.
Khi tôi khoảng 5-6 tuổi, thì bố đi công tác về, đi tìm chuộc tôi lại. Bố nuôi chăm tôi như con đẻ, ông đã phải quỳ xuống lạy bố đẻ tôi xin được giữ lại thằng cu Việt. Nhưng mà bố đẻ tôi vẫn cứ khăng khăng. Không biết vì thù hận hay phong tục thế nào, mà trước khi trao tôi cho bố đẻ tôi, bố nuôi gọi tôi vào để bố rửa mặt cho con lần cuối theo phong tục, với những lời rất dịu dàng. Bố đẻ tôi kể, khi dẫn tôi vào, ông bố nuôi chỉ vuốt một cái, tôi không thấy đau đớn gì, tôi chia tay bố rồi lon ton xuống núi. Về nhà vài ngày sau thì tôi bị mù hẳn.
Nhiều lúc nghĩ thấy hận cả bố đẻ tôi nữa, nếu hôm đi lên núi xin tôi về, mà bố đẻ tôi lùi một bước, thì có khi đời tôi lại không khổ thế này…”, giọng Việt ngân nga như hát, nhưng nước mắt thì chảy tràn. “Nói thật, nửa đêm qua thấy có người đứng ở bức tường này gọi, bảo anh Việt mai chuẩn bị tiếp khách nhé. Tôi ở đầu đường xó chợ, ai đi không khéo là dẫm vào thân tôi.
Tôi lại mù tịt thế này, ai đến thăm nhỉ? Tôi đoán chắc là công an đến hỏi, vì tôi là đối tượng tù tha, ngày xưa tôi phá phách ghê lắm. Ai ngờ lại được gặp nhà báo”. Lê Văn Việt cười, răng cửa gẫy cả 4 cái, nụ cười hài hước và hổng hoác quá nên nó có cái vẻ gì thật xởi lởi.
Từng làm thuê, từng tẩm quất dạo, sống ở xóm liều với cả chục cô cave và một bầy con nghiện, từng có người thuê mang bánh heroin từ Thái Nguyên vào tít Trùng Khánh giáp biên với tiền công cao, từng bán lẻ ma túy cho vợ chồng nữ quái nổi tiếng tên là H. ở thị xã Cao Bằng (như Việt kể), thì có lẽ cái án ma túy 7 năm với Lê Văn Việt vẫn còn nhẹ.
Về tận trường Nguyễn Đình Chiểu dưới Hà Nội học, lân la hát rong kiếm ăn dọc Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Lê Văn Việt đúng là dính vào không thiếu gì trò đau khổ và tội lỗi. Việt từng nhảy tàu, “làm ăn xã hội đen” ở khắp các chuyến tàu Hà Nội lên Yên Bái, lên Lạng Sơn, thậm chí theo tàu Bắc Nam vào tận Sài Gòn, chơi bời bao năm.
“Trời phú cho tôi cái giọng hát và giọng nói đi vào lòng người, nên gái nó theo gạt ra không hết”, Việt rành rẽ. Và, anh ta mắc bệnh hiểm nghèo như hôm nay, dù đau lắm, cũng không ai cảm thấy quá bất ngờ. “Tôi từng ngủ ở vườn hoa, trong các túp lều mà cha mẹ để lại cho ở ven sông Bằng này, hồi ấy, xung quanh tôi là 14 bông hoa, “một rừng hoa”.
Tôi cho họ nằm trên giường, còn thằng Việt này nằm dưới đất. Tôi trẻ khỏe và mãnh liệt lắm, đi tẩm quất cho các bà ở Hà Nội còn bị người ta… gạ gẫm cơ mà. Nhưng thời hoàng kim qua rồi, không lẽ lại cứ “hoàng kim” mãi được sao? Đôi lúc buồn cũng muốn tìm người “đấu lưng đấu bụng” để có một gia đình yên ấm, nhưng có ai muốn gắn bó với một gã mù như tôi?”.
Một người mù trốn truy nã
“Bây giờ tôi không gái, không rượu chè, không ma túy. Chỉ cầm hồ sơ đi lên ủy ban xin người ta cho tôi vào trung tâm bảo trợ xã hội để dẹp yên một cuộc đời náo loạn, thế mà đã xong đâu”, như một thứ bệnh nghề nghiệp, Việt mù chữ, nhưng hát hò quanh năm, giọng nói và cách hành văn lúc nào cũng cố tỏ ra bay bướm… mướt mát.
Ông cực lực trách móc cô nhân viên nào đó ở thị xã giọng lạnh như tiền đầy dọa nạt, để đến nỗi ông phải khua gậy chì chiết lý luận về việc cán bộ đảng viên phải là “công bộc của dân” ra sao. (Khi viết những dòng này, thì được tin, Việt đã được nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội Cao Bằng).
Đi hát dọc Hà Nội, qua Bắc Ninh, Lạng Sơn về quê Cao Bằng, Việt vơ váo làm quen với một người đàn bà tên là Lan. Mối tình quệt quạt này cũng để lại một đứa con gái tên là Lê Thị Hà, bây giờ nó đã có chồng có con. Lại có lần, “vắt vai tí tình” với cô Ngọt, hành nghề mãi dâm người gốc Nam Định, đẻ cho Việt được con gái nữa tên là Tâm vào năm 1996.
Ông bố mù cứ ra đi, người đàn bà từng chung đụng cũng không bao giờ có ý định nhớ đến Việt, những đứa con sinh ra cũng nghiễm nhiên nghĩ bố mình bí ẩn hoặc đã chết từ lâu. Việt bảo, có thể vận công, tập trung suy nghĩ để nhìn thấy luồng ánh sáng linh thiêng le lói bé như đầu tăm ở hốc mắt bên trái của mình.
Ơn dưỡng dục gì thù hận vẫn nặng mang. Việt có thể đi xe đạp vòng quanh thị xã, khi đầu óc thảnh thơi và có thể tập trung vào “quán tưởng” lắng nghe đường xá. “Thị xã dốc dác lắm, nhưng tôi đi xe đạp vòng quanh được, người ở đây đều biết mà”, những người xung quanh đều xác nhận. Bởi Việt “nổi danh” như một dị nhân đi xe đạp, vừa côn đồ lại vừa trăng hoa ở thị xã này từ mấy chục năm nay. Có lần anh ta đi xe đạp chán, hứng chí, leo lên cả xe máy chạy ù ù rồi ngã đập đầu xuống đường nhựa, suýt chết.
Nhưng, đỉnh điểm của Việt có lẽ phải là vụ xuyên Việt Nam trốn truy nã năm 2001. Bấy giờ Việt bị ngã gãy chân, xương già da cóc, chân mãi không lành, lúc nào cái nẹp sắt và các con ốc cũng tác yêu tác quái trong… tim óc người bệnh. Cơn đau hành suốt ngày đêm. Có nữ quái đến dụ Việt chơi thử ma túy, dùng “hàng trắng” đến đâu giảm đau như có phép thuật đến đó.
Việt nghiện mà không biết rằng người ta coi cái mù, cái què của anh là vỏ bọc trong kế hoạch phát triển mạng lưới bán lẻ ma túy. Khi ông bà trùm bị bắt, Việt cũng bị tóm quả tang đang tàng trữ heroin dạng gói lẻ. Đã lấy lời khai và tang vật đã rõ ràng. Đã có lệnh khởi tố hẳn hoi. Nhưng vì Việt là người tàn tật nên cơ quan chức năng ưu tiên không tạm giam, chỉ cấm đi khỏi nơi cư trú.
Ngẫm quá sợ đi tù, Việt quyết định bỏ trốn. Là người mù, bao năm chỉ biết nghe đài, Việt thích mục truyện cảnh giác, chuyện vụ án, thế là “bản năng trốn chạy” sáng lên, kế hoạch đào tẩu được vạch ra và thực hiện khá hoàn hảo. Nửa đêm anh ta đi xe ôm, luồn lọt, đủ phương tiện vù 300km về tận Hà Nội. Cơ quan chức năng chưa bao giờ có ảnh của Việt, nên việc truy nã rất khó khăn.
Việt đi khắp miền Trung vào Đà Nẵng, Quảng Nam, ngược Tây Nguyên, xuống Bình Dương, sang Đồng Nai. Có khi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, linh tính báo có chuyện ngáng trở, Việt quyết định cắt rừng đi bộ. Thấy có “động”, có khi nửa đêm giật mình một cái, nghĩ là linh tính báo điềm chẳng lành, Việt lại lếch thếch cầm gậy loạng choạng khua khua lủi đi.
Có đợt lại về Bắc Cạn, sang Lạng Sơn, có người khuyên, “gần mũi súng thì có khi lại an toàn”, Việt ngược thẳng Cao Bằng. Có khi nửa đêm lên xe khách giả làm người sáng mắt, nói oang oang, bàn luận đủ thứ (vì Việt nghĩ người ta sẽ chỉ để ý tìm “người mù bỏ trốn” thôi). Có khi lân la xin tiền, đi xe ôm, cắt lối mòn mà đi. Có khi làm thuê kiếm sống như người lành.
Thoắt ẩn thoắt hiện, đến lúc bị bắt, Việt thở phào, sao mình mù tịt mà trốn được lâu thế, đi được nhiều nơi thế, mình tài thật. “Chỉ tiếc mắt mù đi đâu chả được ngắm cảnh. Khi bị bắt, tôi bảo các chú công an. Tôi là người khiếm thị, các chú không nên khóa tay làm gì, tôi sẽ theo các chú về trụ sở đàng hoàng, các chú hỏi gì tôi sẽ thưa thật, không chạy trốn gì đâu.
Vào trại, tôi cũng sẽ thành trại viên xuất sắc để nhiều người noi theo” - Việt tự tin kể. Và quả thật, khi tìm hiểu về quá trình cải tạo của Việt ở trại Vĩnh Quang, tôi cũng được cán bộ xác nhận như vậy. Anh ta phải cải tạo có 5 năm, cho mức án 7 năm.
Lúc Việt tiễn khách khỏi mái hiên tá túc ấy, chợt điện thoại di động của Việt nỉ non cất lên bản vọng cổ: “A lô. À, hôm nay anh chả mơ mộng gì. Em cứ đánh cho anh con 05, chắc sẽ ăn to!”.
Ngắt máy, Việt khoe: dạo này kiếm ăn bằng nghề đoán, bói, mộng mị… xui người khác đánh đề. Trúng lắm. Mỗi lần “ăn”, họ cho vài chục nghìn ăn mì tôm qua ngày. Có khi 5 hôm anh đoán chúng cả 5. “Nhưng hễ thằng Việt đánh là không bao giờ “ăn giải”, đời oái oăm thế”, Việt thở dài quay mặt vào trong bức vách chào khách.
Theo Đỗ Doãn Hoàng (Lao động)