Tổng Cục quản lý thị trường (QLTT) vừa tổ chức hội thảo “Nâng cao năng lực phòng, chống và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử” cho 21 Cục QLTT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Hội thảo nhằm triển khai thực hiện Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 3 - 2023.
Hàng giả mua bán tràn lan trên mạng
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT cho biết, năm 2023, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) dần phục hồi sau dịch COVID-19. Tuy nhiên, ở thị trường nội địa, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh đóng cửa, trả lại mặt bằng.
Phía Bắc, chợ Ninh Hiệp, một trong những thủ phủ của hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán đi cả nước nhưng hiện nay tình hình kinh doanh đìu hiu, im ắng.
Tương tự ở miền Nam, tình trạng này còn nặng nề khi phần đa các tiệm trong tình trạng "cửa đóng, then cài".
Tuy nhiên, sức mua sắm của người dân không giảm mà chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online. Điều này dẫn đến các cơ sở phải chuyển dịch hình thức kinh doanh.
Ông Linh dẫn chứng nếu như năm 2020, doanh số bán lẻ trên internet tại Việt Nam là 13 tỉ USD, đến năm 2022 tăng vọt lên 35 tỉ USD. Hơn nữa, Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số mua sắm online cao nhất Đông Nam Á với 49,3 triệu người, tương đương 41% dân số.
Đáng chú ý, do đặc thù của TMĐT là người bán hàng có thể ở bất kỳ đâu; kho hàng, điểm mua bán không cố định, thời điểm thực hiện mua bán rất khó để xác định và chứng cứ dễ thay đổi. Hơn nữa việc thanh toán qua trung gian càng khiến quá trình truy vết của lực lượng QLTT gặp nhiều thách thức.
Theo ông Linh, Nghị định 52 về TMĐT đến nay vẫn còn hiệu lực nhưng với sự bùng nổ của TMĐT phát sinh thêm hành vi vi phạm nên Đề án 319 ra đời là cần thiết và cấp bách.
Hàng giả bán trên internet đang là một mặt trận mới vì có đến 80%-90% hàng giả được mua bán trên mạng. Do đó, lực lượng chức năng vô cùng khó khăn bởi xử lý ở ngoài thực tế đã khó, phát hiện và xử lý vi phạm trên không gian mạng còn khó hơn.
Đáng chú ý tình trạng rao bán vũ khí, các thiết bị ghi âm, ghi hình, định vị, phá sóng... thậm chí là ma túy, chất kích thích đã và đang diễn ra tràn lan.
Người dân cần thay đổi thói quen tiêu dùng
Để ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên TMĐT, từ nay đến năm 2025 lực lượng QLTT cả nước phải chú trọng vào các nhiệm vụ chính.
Hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các văn bản chính sách pháp luật để bám sát thực tiễn; tránh sự chồng chéo giữa các lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm.
Hướng đến xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực cho DN sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng
Theo ông Linh, phải coi mạng xã hội, các sàn TMĐT cũng như đời thật để chủ động đấu tranh, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Song song đó, cần xây dựng hệ thống quản lý không gian mạng, hệ thống giám sát, cảnh báo nguy cơ, rủi ro cho chuyển đổi số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương tới QLTT các địa phương.
Đặc biệt, để xử lý vấn nạn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên TMĐT cần thay đổi thói quen tiêu dùng: Người dân mua hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vì tâm lý sính hàng ngoại, sính hàng thương hiệu.