Mua phải hoa ly ướp lạnh, nhiều người 'méo mặt' dịp Tết

Ngay sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, hàng loạt ý kiến bức xúc về tình trạng mua phải hoa ly ướp lạnh xuất hiện trên mạng xã hội. Theo đó, nhiều người mua hoa ly để trang trí nhà cửa trong dịp Tết nhưng thay vì để được lâu như thường lệ thì mới chỉ 3-4 ngày, phần lớn số hoa này đã bị tàn.

Chị Bùi Tú (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết chiều 27-1 (tức 30 Tết), chị tới chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội) mua một bó hoa ly gồm 10 cành với giá 400.000 đồng. Chị vui vẻ mang về nhà cắm vào lọ rồi đặt trang trọng tại phòng khách. Thế nhưng bình hoa chỉ đẹp được ba ngày là héo úa gần hết.

“Ai đến nhà chơi cũng hỏi sao hoa tàn sớm thế, mua sớm quá à. Tôi rất buồn bực, bỏ ra tới mấy trăm ngàn mà mua phải hoa để lạnh” - chị Tú nói.

Nhiều khách hàng bức xúc khi mua phải hoa ly để lạnh.

Theo chị Tú, năm ngoái chị cũng từng nghe về hoa ly để lạnh nên khi mua đã hỏi rõ người bán hàng. Khi đó người bán khẳng định hoa mới được cắt tại vườn trong ngày, có thể để được nửa tháng.

“Rõ ràng đây là hành vi gian dối, nếu họ nói rõ đây là hoa để lạnh tôi đã không bức xúc. Giá bán cũng như nhau chứ không hề rẻ hơn” - vị khách hàng chia sẻ.

Tương tự, nhiều nạn nhân khác cũng than phiền về việc mua phải hoa chất lượng kém, chỉ sau hai ngày mang về cắm trong bình, những bông hoa đã có hiện tượng nở rồi tàn rất nhanh. Thậm chí nhiều bông chưa kịp nở đã héo úa.

Dù mới chỉ cắm bình được 3-4 ngày, đa số các bông hoa đã héo, tàn.

Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện hoa ly ướp lạnh trong dịp Tết khiến nhiều người bức xúc. Dịp Tết Nguyên đán 2016, người dân cũng đã phản ánh về hiện tượng này khá rầm rộ.

Theo tìm hiểu, do ảnh hưởng của thời tiết, phần lớn số hoa ly tại Hà Nội bị nở sớm. Để đối phó, người trồng hoa cho cắt hoa sớm rồi để trong nhà lạnh, chờ đến Tết đem bán nhằm giữ giá, giảm thiệt hại về kinh tế.

Hoa ly mới cắt và hoa ly để lạnh thường rất khó phân biệt, chỉ những người sành hoa mới có thể nhận ra. Tuy nhiên, thay vì để được khoảng 10-15 ngày như thường lệ, hoa ly để lạnh chỉ “trụ” được 4-5 ngày.

Đa số các nạn nhân đều không được nói rõ về việc hoa đã để lạnh.

Anh Trần Bá Tuyền (Đông Anh, Hà Nội) cũng là một trong những người mua phải hoa ly dỏm. Anh cho biết thấy vợ quá bận bịu dịp Tết nên anh xung phong mua hoa giúp vợ. Anh cũng phải bỏ ra đến 450.000 đồng cho một bình hoa tươi trong... ba ngày rồi héo rũ. 

“Đồng ý việc thời tiết không ủng hộ, người dân sẽ bị thiệt hại nhưng không thể đánh đồng với việc gian dối như vậy. Họ để lạnh nhằm giảm thiệt hại cho mình nhưng lại gây thiệt hại cho người tiêu dùng, như vậy là không thể chấp nhận” -anh Tuyền bức xúc.

Giá bán của hoa để lạnh không hề kém so với hoa mới cắt.

Theo vị khách hàng này, người bán hoa hoàn toàn có thể giải thích rõ đâu là hoa để lạnh, đâu là hoa mới cắt để người mua có thể chủ động. Đối với hoa để lạnh, cần bán giá thấp hơn vì “tiền nào của ấy”. Điều này không chỉ giúp khách hàng tránh mất tiền oan mà còn nâng cao văn hóa sản xuất, bán hàng của người nông dân.

“Chúng ta cần phải học cách sản xuất phải có trách nhiệm với cộng đồng. Ở nước ngoài, nếu sản phẩm kém chất lượng họ sẵn sàng hủy bỏ nhưng ở Việt Nam lại tìm mọi cách để bán đi. Vấn đề uy tín, trách nhiệm là rất lớn” - anh Tuyền nhận định.

Không chỉ hoa ly để lạnh, nhiều câu chuyện về nụ hải đường gắn keo, cây tài lộc, cây sung dỏm… cũng được chia sẻ rộng rãi. Dường như cứ mỗi dịp Tết đến, mua phải sản phẩm chất lượng kém nhưng giá không hề kém trở thành việc "đến hẹn lại lên".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm