Mua thức ăn mùa mưa bão sao cho có lợi và an toàn?

(PLO)- Khi tích trữ thực phẩm trong mùa mưa bão, người dân nên ưu tiên mua thực phẩm có thời hạn bảo quản dài ngày và bảo quản thực phẩm đúng cách.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam

Lo lắng về ảnh hưởng của siêu bão Yagi, nhiều người dân khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Ninh Bình... đổ xô đến các siêu thị, chợ dân sinh để mua rau quả, thực phẩm dự trữ. Điều này giúp người dân có thể yên tâm ở trong nhà "tránh" bão.

Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão, trên website của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đưa ra một số gợi ý cho người tiêu dùng về cách lựa chọn và bảo quản thực phẩm. Các gợi ý này nhằm đảm bảo "tuổi thọ" lẫn hàm lượng dinh dưỡng của thức ăn sau khi mua về.

Mua, chọn thực phẩm "thông minh"

Cụ thể, đối với thực phẩm tươi sống, theo Cục An toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên mua sẵn các loại thịt heo, bò, gà... sau đó sơ chế và cất tủ đá. Khi cần sử dụng thì rã đông và chế biến như bình thường.

Với các loại rau quả, ưu tiên lựa chọn thực phẩm có thể để dài ngày như bầu, bí, khoai tây, cà rốt... có thể để bên ngoài 4 -5 ngày.

Một số loại rau xanh như rau cải, rau muống, rau ngót,... cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh 4 - 5 ngày, và 2 ngày ở nhiệt độ thường trong điều kiện thời tiết mát mẻ.

MÙA MƯA BÃO
Trứng là thực phẩm phù hợp để tích trữ trong mùa mưa bão. ẢNH: HẠ QUYÊN

Đặc biệt, một loại thực phẩm khác không thể thiếu là trứng. Với thời hạn 15 - 20 ngày nếu bảo quản đúng cách, trứng là thực phẩm thích hợp để tích trữ trong mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý người dân nên kiểm tra và mua đủ dùng đối với gạo, muối, nước mắm, dầu ăn...

Một số loại đồ khô nên có trong ngày mưa bão như cá khô, mỳ ăn liền, các loại đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, xúc xích ăn liền, ruốc và các loại bánh mỳ, bánh ngọt, sữa đặc.

Nếu có thông tin về bão to và kéo dài thì nên chuẩn bị nhiều bánh mỳ, bánh ngọt và sữa đặc phòng trường hợp xấu nhất không thể đun nấu thì bạn vẫn có thực phẩm ăn liền.

"Đối với thực phẩm đóng hộp nên chú ý kiểm tra hạn sử dụng và bố trí chế độ ăn uống hợp lý cho gia đình"- Cục An toàn thực phẩm lưu ý.

Dự trữ thực phẩm đúng cách

Ngoài việc lựa chọn, mua sắm thức ăn hàng ngày, việc dữ trữ đúng cách sẽ giúp kéo dài "tuổi thọ" và hàm lượng dinh dưỡng cho thực phẩm của bạn.

Đối với việc bảo quản thức ăn trong tủ lạnh, Cục An toàn thực phẩm lưu ý, người dân cần kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh, đảm bảo thực phẩm được bảo quản đúng cách. Trong trường hợp mất điện, cửa tủ đá và tủ lạnh phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì độ lạnh. Sau khi có điện trở lại, cũng cần kiểm tra thức ăn, nhiệt độ tủ, nhất là ngăn đá và lau dọn các thức ăn hư hỏng, nước chảy ra (nếu có) từ thực phẩm.

"Sau thời gian mất điện, nếu nhiệt độ ngăn đá vẫn còn dưới 4 - 5 độ C thì thực phẩm của bạn vẫn còn dùng được. Bạn cũng có thể kiểm tra từng gói đồ ăn, nếu thấy còn dính băng đá hoặc dưới 4 - 5 độ C đồng nghĩa với việc có thể tiếp tục giữ lạnh"- Cục An toàn thực phẩm khuyến nghị.

Theo đơn vị này, với một tủ đá đầy kín thức ăn, khi cửa tủ được đóng chặt sẽ giữ được nhiệt độ lạnh trong khoảng 48 giờ. Nếu tủ chỉ chứa một nửa thực phẩm thì độ lạnh được duy trì trong 24 giờ. Tuy nhiên, ở ngăn đá tủ lạnh, thời gian duy trì độ lạnh chỉ được khoảng 4 giờ sau khi mất điện. Vì thế, người dân cần căn cứ vào thời gian duy trì độ lạnh của từng loại tủ để xác định chất lượng thực phẩm.

Trong trường hợp, sau thời gian duy trì độ lạnh được khuyến nghị vẫn chưa có điện trở lại thì thức ăn hư hỏng phải đổ bỏ. Các loại thực phẩm được khuyến nghị cần bỏ khi mất điện kéo dài như thịt đã nấu chín hoặc còn sống, cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa. Đồng thời, những thức ăn dư thừa từ những ngày trước đó, như: cá ngừ, cơm, mì ống, rau xà lách, nước sốt… cũng nên đổ bỏ.

Cục An toàn thực phẩm cho rằng, ngay cả khi những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang mầm bệnh cho bạn, gia đình bạn. Đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Bên cạnh đó, vào mùa mưa bão thường đi kèm lũ lụt, có thể gây ô nhiễm nguồn nước sử dụng. Trong thời gian này, tốt hơn hết người dân nên uống nước đun sôi để nguội, hoặc nước đóng chai mua sẵn.

Không ăn những thức ăn có dính nước lụt hoặc thức ăn được lấy ra từ những thùng bị thấm nước lụt...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm