Mụn cóc và thuốc trị

Mụn cóc là bệnh ở da gồm các tổn thương da và niêm mạc do một loại virus gây sùi ở người gọi là human papilloma virus (HPV) gây ra. Virus khiến cho các tế bào ở lớp ngoài cùng của da tăng sinh nhanh.

Tùy theo chủng virus mà hình thành các thương tổn khác nhau như những sẩn, u nhỏ trên da và niêm mạc. Mụn cóc xuất hiện ở nhiều vị trí trên cơ thể, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt hàng ngày  nên cần được điều trị triệt để.

Mụn cóc là những nốt sần nhỏ lành tính, mềm, có màu da, màu trắng, hồng hoặc nâu, sờ có cảm giác thô ráp, không đau, có thể xuất hiện đơn độc hoặc thành đám.  Mụn cóc xảy ra từ sau hai đến sáu tháng khi tiếp xúc trực tiếp với HPV.

Có khoảng hơn 100 typ virus HPV gây ra mụn cóc ở khắp cơ thể. Các tổn thương khi bị mụn cóc có thể lây nhiễm giữa các vùng khác nhau trên cơ thể hay sang người khác khi có sự tiếp xúc với các dịch tiết của tổn thương.

mụn cóc

Những tổn thương từ mụn cóc.

Nhận biết các loại mụn cóc

Có một vài loại mụn cóc. Mỗi loại lại xuất hiện ở một vùng khác nhau trên cơ thể và có hình dạng khác biệt.

Mụn cóc thông thường: Có thể mọc ở bất kỳ chỗ nào, nhưng hay mọc ở ngón tay hoặc ngón chân. Mụn có dạng hạt, thô sần và thường có đầu tròn, có màu xám hơn so với vùng da xung quanh.

Mụn cóc bàn chân: Thường mọc ở lòng bàn chân, mọc trong da mà không phải ở ngoài da, tạo những lỗ nhỏ ở dưới chân và được bao quanh bởi da ửng đỏ.

Mụn cóc dẹt: Thường có đầu dẹt, trông như đã được cạo, mọc ở trên mặt, đùi hoặc cánh tay, có thể có màu hồng, màu nâu sáng hoặc màu vàng nhạt. Chúng thường rất nhỏ và khó để nhận ra.

Mụn cóc dạng chỉ: Mụn loại này thường rất nhỏ và có hình vạt nhỏ hoặc dạng sợi mảnh như chỉ, thường mọc ở quanh miệng, mũi hoặc đôi khi mọc ở cổ hoặc dưới cằm. Mụn cóc dạng chỉ thường có màu giống với màu da.

Mụn cóc quanh móng: Mọc ở phía dưới hoặc xung quanh móng tay, móng chân. Chúng có thể gây đau và ảnh hưởng đến sự phát triển của móng.

Mụn cóc sinh dục: Có một vài typ virut có thể gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục, vùng mu hoặc trong ống hậu môn. Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục có thể mọc trong âm đạo. Mụn cóc sinh dục lây lan nhanh qua quan hệ tình dục và có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.

Phương pháp điều trị và dùng thuốc

Thuốc bôi tại chỗ:

Thuốc điều trị thông thường là acid salicylic với nồng độ từ 5% - 40%, bôi tại chỗ (có thể cho bệnh nhân tự bôi tại nhà) có tác dụng bong lớp sừng. Tỉ lệ khỏi 70% - 80%. Lưu ý không dùng bôi mụn ruồi, bớt sắc tố, không bôi lên niêm mạc và sùi mào gà, không bôi lên da lành, tránh thuốc dây vào mắt. Nếu không may vào mắt phải rửa nước trong 15 phút và đến bác sĩ chuyên khoa mắt điều trị tiếp.

Cantharidin: Có tác dụng hoại tử thượng bì và nhổ bật mụn cóc khỏi da. Thuốc do bác sĩ chuyên khoa da liễu chỉ định. Không bôi thuốc gần mắt, niêm mạc, sinh dục và da lành. Thời gian dùng thuốc từ 3 - 4 tuần.

Acid trichloacetic với nồng độ 80% gây hoại tử tổ chức. Bôi 4 lần/tuần cho đến khi khỏi mụn cóc. Không bôi lên mụn ruồi, bớt sắc tố, vùng tóc, mặt, niêm mạc, sinh dục. Thận trọng tránh để lại sẹo.

Podophyllin là loại nhựa cây có chứa nhiều hợp chất gây độc tế bào được dùng trong điều trị mụn cóc sinh dục. Đây là thuốc bôi mụn cóc sinh dục tốt nhất. Thận trọng khi dùng vì thuốc có thể gây nôn, sốt, lẫn lộn, hôn mê, tắc ruột, suy thận..., không bôi diện rộng, không dùng cho phụ nữ có thai.

Axít aminolevoulinic (ALA) làm tăng nhạy cảm ánh nắng phối hợp với ánh sáng xanh trong điều trị mụn cóc rất thành công.

Một số biện pháp khác gồm:

Áp lạnh: Còn gọi là liệu pháp phun nitơ lỏng vào vùng có mụn cóc. Hơi lạnh sẽ tạo thành nốt phỏng quanh mụn, sau đó mô chế sẽ bong ra trong vòng khoảng một tuần.

Laser: Thường chỉ dành cho những trường hợp mụn cóc khó chữa vì khá tốn tiền và có thể gây sẹo.

Vi phẫu: Mụn cóc được cắt hoặc đốt bằng dao điện. Vì phương pháp này có thể để lại sẹo nên thường chỉ dành cho những trường hợp không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác.

Trong trường hợp xấu, mụn cóc không đáp ứng các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân sẽ được áp dụng thêm liệu pháp khác như:

Bleomycin: tiêm vào mụn cóc loại thuốc bleomycin nhằm giết chết virut. Bleomycin được sử dụng thận trọng cho các mụn cóc, nhưng ở liều cao hơn được sử dụng để điều trị một số loại ung thư. Rủi ro của liệu pháp này bao gồm mất móng tay và thiệt hại cho da và thần kinh.

Interferon-alfa 2a và interferon-alfa 2b là loại cytokine có tác dụng kháng virut, kháng khuẩn, kháng ung thư. Tiêm vào trong thương tổn có tác dụng tốt hơn nhiều so với đường toàn thân. Tỷ lệ khỏi đã được thông báo là 36 - 63%.

Retinoid còn được gọi là vitamin A acid có tác dụng làm mất khả năng tạo sừng của mụn cóc, làm giảm đau. Không dùng cho phụ nữ có thai và trong độ tuổi sinh đẻ.

Cidofovir tiêm tĩnh mạch áp dụng điều trị mụn cóc kháng trị. Thận trọng khi dùng vì có nguy cơ nhiễm độc thận.

Có thể phòng ngừa mụn cóc được không?

Có nhiều cách để dự phòng và giữ mụn cóc không lây ra những vùng khác trên cơ thể như: luôn giữ tay và chân khô ráo; thường xuyên rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người có mụn cóc; không bóc mụn cóc; che mụn cóc bằng một dải băng gạc. Khi thấy có mụn cóc cần đi khám chuyên khoa da liễu để được điều trị dùng thuốc phù hợp.

DS. NGUYỄN THANH HOÀI

(Theo plo.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm