Mượn hồ sơ người khác đi làm khó hưởng BHXH

(PLO)- Việc người lao động mượn hồ sơ của người khác là vi phạm nguyên tắc trung thực, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 28-2, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM phối hợp với BHXH TP tổ chức Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp và chính quyền TP để giải đáp những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn liên quan đến các chế độ chính sách BHXH, bảo hiểm y tế… trên địa bàn TP.HCM.

Tòa tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu

Tại buổi tiếp xúc, một số doanh nghiệp đặt câu hỏi về những trường hợp người lao động (NLĐ) khi xin vào doanh nghiệp làm việc đã mượn hồ sơ của người khác để ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), tham gia BHXH thì có được giải quyết chế độ BHXH không?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết Bộ LĐ-TB&XH có Công văn 1767 gửi đến UBND các tỉnh, TP và cơ quan BHXH về việc hướng dẫn giải quyết đối với trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ và tham gia BHXH.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH nêu trường hợp NLĐ mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là vi phạm nguyên tắc trung thực theo quy định của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết HĐLĐ. Với những trường hợp mượn hồ sơ của người khác để giao kết HĐLĐ là trường hợp HĐLĐ vô hiệu toàn bộ.

Việc tuyên bố HĐLĐ vô hiệu và xử lý HĐLĐ vô hiệu thuộc thẩm quyền của TAND. Sau khi tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu, giữa doanh nghiệp và NLĐ phải ký lại HĐLĐ theo đúng thông tin của NLĐ.

Doanh nghiệp đặt câu hỏi liên quan đến chế độ, chính sách về BHXH trong buổi đối thoại. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Doanh nghiệp đặt câu hỏi liên quan đến chế độ, chính sách về BHXH trong buổi đối thoại.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Hiện nay, để giải quyết chế độ BHXH cho những trường hợp mượn hồ sơ xin việc và tham gia BHXH, cơ quan BHXH đang chờ ý kiến hướng dẫn của BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB&XH.

Một doanh nghiệp đặt câu hỏi: Khi doanh nghiệp phát hiện NLĐ mượn hồ sơ xin việc của người khác thì phải giải quyết như thế nào?

Ông Thanh hướng dẫn: Doanh nghiệp sẽ thực hiện chấm dứt HĐLĐ và ký lại hợp đồng mới theo đúng hồ sơ của NLĐ. Riêng đối với quá trình tham gia BHXH của NLĐ mượn hồ sơ trước đó sẽ thực hiện theo quy định trên.

Thanh tra hay kiểm tra?

Một doanh nghiệp ngành may mặc ở quận 6 thắc mắc: Từ cuối năm 2021 đến nay, BHXH địa phương đã thanh tra nhiều lần khi doanh nghiệp phát sinh các trường hợp NLĐ nghỉ hưởng chế độ thai sản sau khi đóng vừa đủ sáu tháng BHXH. Doanh nghiệp này cho rằng việc thanh tra này là bất hợp lý, làm khó doanh nghiệp.

Ông Thanh cho biết cơ quan BHXH chỉ kiểm tra định kỳ chứ không phải thanh tra một năm bốn lần như DN phản ánh. Việc kiểm tra này để tránh lạm dụng Quỹ BHXH. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra nếu DN thực hiện đúng quy định thì cơ quan BHXH cũng không từ chối giải quyết chế độ cho NLĐ.

Ông Thanh cho biết thêm: Hoạt động thanh tra, kiểm tra là hoạt động thường kỳ của cơ quan BHXH nhằm đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ theo đúng quy định pháp luật.

Làm việc tại hai công ty thì đóng BHXH ra sao?

Một doanh nghiệp ở quận 1 thắc mắc: Doanh nghiệp có nhân viên ký kết cùng lúc hai HĐLĐ thì cách tham gia BHXH của NLĐ này thực hiện như thế nào?

Một đại diện cơ quan BHXH TP.HCM cho biết căn cứ Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn quy định, NLĐ đồng thời có từ hai HĐLĐ trở lên với nhiều đơn vị khác nhau thì đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo HĐLĐ giao kết đầu tiên và đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng HĐLĐ. Đối với những nơi còn lại, NLĐ phải chủ động thông báo cho đơn vị được biết để thực hiện việc lập hồ sơ đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm