Hãng tin Reuters đưa tin, Lầu Năm Góc ngày 11-3 cho hay Mỹ sẽ bắt đầu sản xuất linh kiện hỗ trợ thử nghiệm hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất, sau khi Washington thông báo rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
“Chúng tôi sẽ khởi động các hoạt động chế tạo các linh kiện hỗ trợ thử nghiệm những hệ thống này- hoạt động trước đây bị coi là vi phạm Hiệp ước INF. Việc nghiên cứu và phát triển này có thể đảo ngược nếu Nga trở lại tuân thủ INF hoàn toàn và có thể thẩm tra được trước khi chúng tôi rút khỏi hiệp ước này vào tháng 8-2019”, Trung tá Michelle Baldanza, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết.
Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ phóng từ tàu khu trục USS Shoup trong một cuộc tập trận ở Biển Philippines tháng 9-2018. Ảnh: REUTERS
Theo Lầu Năm Góc, loại tên lửa mới sẽ được trang bị đầu đạn thông thường, không phải vũ khí hạt nhân.
Ông Frank Rose, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí hiện làm việc tại viện chính sách Viện Brookings ở thủ đô Washington, cho rằng Mỹ đang tìm cách gây áp lực để Nga trở lại tuân thủ INF.
“Đây là tín hiệu chính trị, khẳng định Mỹ nghiêm túc trong việc theo đuổi phát triển hệ thống tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thế hệ mới, trừ khi Nga tuân thủ quy định trong hiệp ước”, ông Rose cho biết.
Mỹ hồi tháng trước đã thông báo sẽ rút khỏi Hiệp ước INF trong sáu tháng nữa nếu Nga không chấm dứt những gì Mỹ cho là vi phạm hiệp ước mà hai nước ký năm 1987.
Nga sau đó cũng ra thông báo tương tự đình chỉ Hiệp ước INF. Moscow phủ nhận vi phạm hiệp ước và cáo buộc Washington phá vỡ thỏa thuận.
Liên Hiệp Quốc đã hối thúc Mỹ và Nga duy trì hiệp ước, nói rằng Hiệp ước INF bị xé bỏ sẽ đẩy thế giới vào bất ổn và không an toàn.