Các nhà lãnh đạo quốc phòng và nghị sĩ Mỹ đang lên kế hoạch cho những việc phải làm với sáu tiêm kích F-35A đã được chế tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, giờ có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không bao giờ được phép mua những máy bay chiến đấu này nữa.
Trong một năm rưỡi, các nhà lập pháp Mỹ nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không mua hệ thống phòng không S-400 Triumf của Nga, vì lo ngại nếu Thổ Nhĩ Kỳ cùng lúc có F-35 của Mỹ và S-400 của Nga thì hệ thống Nga có thể làm tổn hại máy bay tàng hình hiện đại nhất của Lầu Năm Góc.
Trong Đạo luật Chi tiêu quốc phòng (NDAA) 2020 mà Quốc hội Mỹ vừa phê duyệt, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bị cấm mua dòng tiêm kích F-35 nếu nước này vẫn sở hữu S-400.
Tìm nhà mới cho F-35
Vì lẽ đó, các quan chức Mỹ hiện giờ đang bàn cách phải làm gì với sáu chiếc tiêm kích F-35A đã được chế tạo cho Thổ Nhĩ Kỳ. Số tiêm kích này đang cất trữ tại căn cứ không quân Luke thuộc bang Arizona, nơi các kỹ sư và phi công Thổ Nhĩ Kỳ đang được huấn luyện cách bay và bảo dưỡng chúng.
Tiêm kích F-35 của Mỹ. Ảnh: SPUTNIK
NDAA đã chi ra tới 30 triệu USD để cất trữ 6 tiêm kích F-35A này cho tới khi số phận cuối cùng của chúng được quyết định, và cũng đã chi ra một khoản khác 440 triệu USD nếu không quân Mỹ quyết định mua chúng phục vụ cho phi đội của mình, Air Force Magazine cho hay.
Khi Lầu Năm Góc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình đa quốc gia về phát triển F-35 hồi tháng 7 khi lô hệ thống S-400 đầu tiên được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ, bốn phi công, hai người hướng dẫn và khoảng 20 nhân viên bảo dưỡng đang được đào tạo tại căn cứ không quân Luke thuộc bang Arizona và căn cứ không quân Eglin thuộc bang Florida đã bị yêu cầu rời khỏi Mỹ, theo Sputnik.
NDAA 2020 sẽ cho phép Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper “tiến hành các hoạt động liên quan tới cất trữ, bảo quản và phát triển kế hoạch dàn xếp cuối cùng đối với những máy bay F-35 này và thiết bị F-35 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất”, yêu cầu ông Esper trình kế hoạch cho Quốc hội trong vòng 90 ngày kể từ ngày thông qua đạo luật.
Là một đối tác quốc tế lâu năm trong chương trình F-35, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ bị loại hoàn toàn vai trò trong dự án này vào tháng 3-2020 và mất ít nhất 500 triệu USD đã đổ vào dự án, theo một tuyên bố hồi tháng 7 của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần Ellen Lord.
Thổ Nhĩ Kỳ đã sản xuất 937 linh kiện cho máy bay F-35 và đã đặt mua 100 chiếc với chi phí gần 94 triệu USD mỗi chiếc, theo The Intercept.
Lệnh trừng phạt đã sẵn sàng
“Chúng tôi sẽ không cho phép S-400 cùng tồn tại với F-35 ở Thổ Nhĩ Kỳ” -tướng Tod Wolters, lãnh đạo Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, nói với tờ Foreign Polocy tại một sự kiện hôm 10-12 ở Washington.
Một ngày sau khi thông qua NDAA, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Tăng cường an ninh quốc gia Mỹ và Ngăn sự hồi sinh của IS”, trong đó gồm sáu điều khoản trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan việc nước này mua hệ thống S-400 từ Nga.
Dự luật này sẽ được chuyển tiếp tới Thượng viện và dự kiến sẽ được Thượng viện bỏ phiếu thông qua vào cuối tuần tới.
Thổ Nhĩ Kỳ ra mắt máy bay chiến đấu thế hệ năm nội địa hồi tháng 6. Ảnh: SPUTNIK
“Các lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái thực sự quá nhạt nhẽo. Dự luật lần này sẽ nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ rằng hành vi của họ đối với Syria là không thể chấp nhận được và việc họ mua hệ thống S-400 là không thể biện hộ được” - Thượng nghị sĩ Robert Menendez nói trên Twitter hôm 11-12.
Với việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kiên quyết có được S-400 của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đang khai phá các lựa chọn khác để bù lấp nhu cầu về tiêm kích hiện đại của mình.
Ankara đã bày tỏ sự quan tâm đối với việc mua máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, đồng thời để ngỏ khả năng mua tiêm kích hiện đại hơn Su-57 cũng của Nga. Su-57 vừa đi vào sản xuất đại trà.
Hồi tháng 6, Tập đoàn Công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) trình làng một nguyên mẫu máy bay chiến đấu thế hệ năm do chính nước này sản xuất tại Triển lãm Hàng không Paris. Mẫu máy bay này lấy tên là TF-X.
Máy bay nội địa của Thổ Nhĩ kỳ dự kiến sẽ được nhiều đối tác của Thổ Nhĩ Kỳ, những đối tác trước đó tham gia dự án F-35, chế tạo. TAI cho hay TF-X sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2025 và hy vọng đi vào biên chế năm 2028.