Sáng 17-12, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đô thị của các tỉnh: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và Đắk Nông.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
Sắp xếp 324 xã, bốn huyện thuộc 11 tỉnh
Theo tờ trình của Chính phủ, có tổng cộng 324 đơn vị cấp xã và bốn đơn vị cấp huyện của 11 tỉnh sẽ sắp xếp trong giai đoạn này. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay đề án của 11 tỉnh trình có ba cấp huyện (huyện đảo Cô Tô, huyện đảo Cồn Cỏ và thị xã Quảng Trị) và 24 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021. Tuy nhiên, Chính phủ và địa phương đề nghị chưa thực hiện vì lý do đặc thù về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng.
Liên quan đến nội dung này, trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị ghi nhận để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với hai trường hợp cấp huyện (huyện đảo Cô Tô và Cồn Cỏ) và 16 trường hợp cấp xã.
Đối với thị xã Quảng Trị và tám đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo địa phương tiếp tục quán triệt và nghiêm túc, quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp các đơn vị hành chính.
Đáng lưu ý, trong số 11 tỉnh này, số lượng các đơn vị hành chính sau sắp xếp nhưng vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định khá lớn, với 76 đơn vị. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ hướng dẫn địa phương xây dựng phương án bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, tránh trường hợp phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau, gây ảnh hưởng, xáo trộn, mất ổn định.
Bốn nguyên tắc để sắp xếp cán bộ dôi dư
Đa số các ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí với nội dung đề án Chính phủ trình. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng lưu ý quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính phải tính toán kỹ lưỡng, tránh gây lãng phí nguồn lực.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra hàng loạt câu hỏi: Việc sáp nhập các xã thì trung tâm xã đặt ở đâu? Những tài sản liên quan tới các xã sẽ được sắp xếp như thế nào, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới ra sao? Một vấn đề nữa là tên gọi, những tên gọi cũ gắn với văn hóa lịch sử, vậy sau sáp nhập có thay đổi không?
Theo đó ông cho rằng cần phải có hướng dẫn chi tiết nếu không địa phương sẽ rất lúng túng trong quá trình thực hiện.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Còn Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra chưa thấy nhắc tới hiệu quả cũng như tác động của việc hợp nhất các huyện, xã.
Đặc biệt, theo ông Phúc, thời điểm tới (từ quý I-2020), các xã bắt đầu đại hội Đảng cơ sở, do đó thời gian để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã sẽ rất gấp gáp.
“Khi hợp nhất thì quỹ thời gian có đủ cho việc chuẩn bị đại hội Đảng không? Ai là người làm báo cáo chính trị? Việc bố trí và sắp xếp cán bộ dôi dư như thế nào?” - ông Phúc đặt vấn đề?
Giải trình thêm, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết theo lộ trình hiện đã trình Chính phủ đề án sắp xếp của 38 tỉnh đang tiếp tục thẩm định, riêng TP.HCM và Hà Nội chưa gửi đề án.
Theo ông Tân, nếu trong tháng 12 này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thêm một buổi làm việc thì sẽ cơ bản hoàn tất các đề án sắp xếp theo yêu cầu. Cũng theo ông Tân, mỗi đơn vị hành chính mới chỉ nên sắp xếp tối đa với ba đơn vị, dù vẫn không đủ tiêu chí thì cũng không nên mở rộng thêm, tránh gây xáo trộn lớn.
Ông ví dụ Hà Giang, nếu nhập ba xã làm một thì quá rộng, không thể đi được, nên chỉ sắp xếp hai đơn vị xã là tối đa. Còn về cơ sở vật chất, các trụ sở cũ vẫn được sử dụng, không xây thêm trụ sở mới, tránh tốn kém lãng phí.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân.
Liên quan đến bố trí cán bộ dôi dư, theo ông Tân, quá trình sắp xếp được áp dụng theo bốn nguyên tắc: Giải quyết chế độ cho thôi việc; không tái cử với cán bộ cấp xã; thực hiện tinh giản biên chế và cho địa phương ban hành các chính sách riêng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho người thuộc diện sắp xếp.
“Theo quy định việc sắp xếp cán bộ, công chức được kéo dài trong năm năm nhưng các địa phương chỉ đề nghị đến năm 2022 là hoàn thành. Chúng tôi sẽ xuống khảo sát một số nơi, xem những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính” - ông Tân cho hay.
Cuối phiên họp về nội dung này, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thông qua nghị quyết phê duyệt đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 11 tỉnh.