Tìm hiểu thành phần, nguyên liệu
Theo BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: “Thành phần nguyên liệu là yếu tố quan trọng hàng đầu để cân nhắc khi chọn dầu ăn bởi nguyên liệu tốt sẽ làm nên sản phẩm chất lượng tốt.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy dầu thực vật có chứa nhiều loại dưỡng chất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ giảm nguy cơ một số bệnh tim mạch, ức chế các gốc tự do gây lão hóa và ung thư”. Cũng theo BS Diệp, các loại dầu có lợi cho sức khỏe có thể kể đến là dầu gạo, dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu nành...
Dầu đậu nành rất tốt cho sức khỏe tim mạch nhờ hàm lượng dồi dào các acid béo omega 3, 6, 9 cùng với vitamin E và phytosterols giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa động mạch.
Nên đa dạng các loại dầu ăn
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Viện Dinh dưỡng, mỗi loại dầu ăn đều có các acid béo và dưỡng chất khác nhau, vì vậy nên sử dụng đa dạng các loại dầu ăn hoặc dầu phức hợp có thành phần nguyên liệu từ các loại dầu ăn cao cấp như dầu gạo, hướng dương, nành... để cung cấp đa dạng dưỡng chất cho cơ thể.
Mặt khác, dầu gạo, dầu nành, dầu hạt cải, dầu cọ... có thể dùng cho các món chiên, rán ở nhiệt độ cao như rán nem, khoai tây, cá… bởi loại dầu này có điểm sôi cao. Với các gia đình có trẻ nhỏ, nên dùng dầu ăn đặc chế cho trẻ em để bổ sung DHA, omega 3, 6, 9 và chỉ thêm dầu sau khi tắt bếp để giữ chất dinh dưỡng.
Dầu gạo cung cấp một tỉ lệ cân bằng tối ưu giữa các acid béo thiết yếu, gần với tỉ lệ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Hội Tim mạch Mỹ, giúp làm giảm cholesterol xấu trong máu, ức chế sự hình thành của các gốc tự do.
Không nên dùng dầu ở nhiệt độ cao
Nhiệt độ cao không những phá hủy thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide và các chất gây hại cho sức khỏe, gây cháy khét thực phẩm. Vì vậy, tốt nhất người nội trợ sử dụng nhiệt độ vừa phải khi nấu nướng, đặc biệt là khi chiên rán. Nếu bạn có thói quen xào nấu thực phẩm khi thấy dầu sôi thì nên để chảo thật nóng, sau đó mới cho dầu vào.
Không dùng dầu chiên lại nhiều lần
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cũng cho biết thêm phần dầu ăn dư thừa sau khi đã sử dụng để chế biến thức ăn nên đổ đi, không sử dụng lại.
Khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, không chỉ các vitamin và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy mà còn xuất hiện những chất gây hại cho sức khỏe từ chính bản thân dầu ăn và những phần thực phẩm cháy khét sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy. Nếu thường xuyên sử dụng, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Dầu ăn sử dụng lại cũng dễ bị ôxy hóa dẫn đến sự thay đổi về mùi vị và màu sắc của món ăn. Thực phẩm khi chiên với dầu mới sẽ cho màu tươi, thơm ngon, còn với dầu sử dụng lại nhiều lần sẽ có màu vàng sậm, mùi khét, không an toàn cho sức khỏe.
Bảo quản dầu ăn
TS Hưng khuyên nên bảo quản dầu ăn ở nơi thoáng mát, để dầu ở lọ sành, chai thủy tinh sạch và khô ráo tránh đựng trong đồ vật bằng kim loại. Đồng thời, sau khi sử dụng, dầu cần được đậy nắp kín và tránh ánh sáng trực tiếp.