Ngày 8-7 (giờ địa phương), phái đoàn Philippines tham dự vụ kiện phản bác “đường chín đoạn” của Trung Quốc trên biển Đông (Philippines gọi là biển Tây Philippines) bước vào vòng điều trần luận cứ đầu tiên.
Đài truyền hình CNN PH (Philippines) đưa tin cuộc điều trần kín diễn ra trước năm thẩm phán tòa án trọng tài thường trực tại dinh Hòa Bình ở La Haye (Hà Lan).
Năm thẩm phán gồm thẩm phán Thomas A. Mensah người Ghana (chủ tọa), thẩm phán Jean-Pierre Cot người Pháp, thẩm phán Stanislaw Pawlak người Ba Lan, thẩm phán Rudiger Wolfrum người Đức và GS Alfred Soons người Hà Lan.
Tòa án trọng tài thường trực đã chấp thuận cho một số nước có tranh chấp ở biển Đông gồm Việt Nam, Malaysia và một số nước châu Á như Nhật, Thái Lan, Indonesia cử quan sát viên tham dự.
Phái đoàn Philippines chuẩn bị điều trần tại dinh Hòa Bình ở La Haye (Hà Lan) ngày 7-7 (giờ địa phương). Ảnh: ABIGAIL VALTE
Bà Abigail Valte, phó phát ngôn tổng thống Philippines (tháp tùng phái đoàn Philippines tại Hà Lan), thông báo trong ngày điều trần đầu tiên (ngày 7-7), phái đoàn Philippines đã phát biểu về thẩm quyền của tòa án đối với vụ kiện.
Trước tiên ông Florin Hilbay, cố vấn pháp luật của chính phủ Philippines, giới thiệu vụ kiện và các diễn giả.
Kế tiếp, Ngoại trưởng Albert del Rosario giải thích tòa án trọng tài thường trực có thẩm quyền tài phán quốc tế đối với vụ kiện của Philippines. Ông nói đây là vấn đề rất quan trọng đối với Philippines và quốc tế bởi tác động đến luật pháp quốc tế liên quan đến tranh chấp hàng hải.
Ông tập trung vào vấn đề: Có thể nào một quốc gia (Trung Quốc) lấy cớ “quyền lịch sử” để chiếm vùng biển rất xa biên giới và vùng biển ấy lại thuộc lãnh hải một nước khác?
Hãng tin GMA News (Philippines) đưa tin Ngoại trưởng Albert del Rosario đã đưa ra năm luận điểm:
- Trung Quốc không có quyền áp dụng cái mà Trung Quốc đánh giá là “quyền lịch sử” về lãnh hải, nền đáy biển và lòng đất ngoài các quyền của Trung Quốc theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).
- Cái gọi là “đường chín đoạn” không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào để áp dụng nhằm xác định giới hạn của yêu sách về “quyền lịch sử” của Trung Quốc.
- Các đặc điểm hàng hải Trung Quốc sử dụng làm căn cứ để đòi hỏi chủ quyền trên biển Đông không phải là đảo có thể phát sinh quyền về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa căn cứ khoản 3 Điều 121 của UNCLOS mà đó chỉ là đá, mỏm ngầm thường xuyên bị ngập nước cho dù Trung Quốc có tôn tạo hàng loạt thành đảo nhân tạo.
- Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS khi cản trở Philippines thực thi quyền chủ quyền và luật pháp.
- Trong quá trình vi phạm UNCLOS, Trung Quốc đã gây thiệt hại không thể khắc phục đối với môi trường biển khu vực bằng hành động phá hủy các rạn san hô ở biển Đông, đánh bắt cá mang tính chất hủy diệt và nguy hiểm, thu hoạch các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Sau đó, luật sư nổi tiếng người Mỹ Paul Reichler (Công ty luật Foley Hoag), trưởng nhóm luật sư của Philippines, trình bày luận cứ giải thích tại sao tòa án trọng tài thường trực La Haye phải thực hiện quyền tài phán trong vụ kiện của Philippines.
GS Philippe Sands người Anh (giám đốc Trung tâm về tòa án và tòa án quốc tế thuộc ĐH London) tiếp lời giải thích trong vụ kiện này Philippines không bàn đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ hay phân giới trên biển.
DẠ THẢO
Ngày 8-7, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố trong tình hình hiện nay, nhân dân Trung Quốc ở hai bờ eo biển phải có trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển của nhà nước. Tuyên bố này mang ý nghĩa lôi kéo lãnh thổ Đài Loan cùng đứng một phe với Trung Quốc trong tranh chấp ở biển Đông. ______________________________________ Cái gọi là “đường chín đoạn” của Trung Quốc không dựa trên bất kỳ căn cứ luật pháp quốc tế nào… 13 năm ròng đàm phán đa phương nhưng Trung Quốc vẫn cố chấp không biến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông thành một bộ quy tắc ứng xử mang tính chất ràng buộc… Ngoại trưởng Philippines ALBERT DEL ROSARIO |