Trước những ảnh hưởng nặng nề của các dự án nâng đường gần đây, nhiều người dân ở tuyến đường chưa được nâng bày tỏ lo ngại vì không biết số phận nhà mình trong tương lai ra sao.
Càng ngày nâng càng cao
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các dự án nâng đường trên địa bàn TP.HCM có xu hướng càng ngày nâng càng cao. Đơn cử, trong giai đoạn 2004-2007, tiểu dự án nâng cấp đô thị (có các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) đã nâng hàng loạt đường, hẻm ở quận 6. Lúc này, đường, hẻm nâng không quá cao nên chỉ tạo độ chênh lệch với nhà dân khoảng 0,5 m. Mặt khác, trong dự án này có quỹ xoay vòng vốn hỗ trợ nên người dân có điều kiện sửa chữa nhà, giảm bớt khó khăn.
Đến năm 2014, tiểu dự án nâng cấp đô thị tiếp tục thực hiện nâng cấp 36 tuyến đường và cụm hẻm ở quận 6 thì mức chênh lệch giữa mặt đường và nhà dân cao hơn, khoảng 0,5 đến 0,8 m, có nơi chênh lệch khoảng 1 m. Việc này gây nhiều khó khăn cho người dân, trong khi quỹ xoay vòng vốn đã kết thúc giải ngân từ năm 2013 nên nhiều hộ dân không có điệu kiện sửa chữa nhà. Theo UBND quận 6, trên địa bàn quận còn hơn 617 hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án nâng đường, nâng hẻm chưa có điều kiện sửa chữa, xây lại nhà.
Tại địa bàn quận 8, trong giai đoạn 2014-2015 có khoảng 27 dự án nâng cấp đường và hẻm. Theo đó, hơn 7.135 nhà dân bị ảnh hưởng, trong đó 4.200 căn nhà bị thấp hơn mặt đường khoảng 1 m.
Tương tự, khi thực hiện dự án Phạm Văn Đồng thì hàng loạt nhà dân ở quận Bình Thạnh, Thủ Đức cũng bị thấp trũng hơn mặt đường trên 1 m. Gần nhất là dự án nâng cấp đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) đang thực hiện làm gần 540 căn nhà hai bên mặt tiền thấp hơn đường từ 0,7 đến 1,3 m.
Nói về dự án nâng cấp quốc lộ 13 cũ, ông Thiện nhà ở gần ngã tư Bình Phước (Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) ngao ngán: “Mặt đường nâng cao 2 m so với hiện hữu thì không thể hình dung nhà dân sẽ như thế nào. Hiện nhà dân chỉ cao ngang mặt đường nên đường nâng lên 2 m thì chúng tôi phải bỏ luôn tầng trệt chứ làm sao ở được”.
Đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) nâng cao 2 m gây nhiều bức xúc cho người dân. Ảnh: TRUNG THANH
Nâng thêm bao nhiêu cho đạt chuẩn?
Trao đổi với chúng tôi nguyên nhân vì sao các tuyến đường, tuyến hẻm ngày càng nâng cao, một cán bộ Sở GTVT cho biết theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung về xây dựng của TP.HCM đến năm 2025 do Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010, cốt nền xây dựng chung của TP phải đạt từ + 2 m trở lên. Sau đó, UBND TP có Quyết định số 1340/2014 về quy hoạch chung đô thị, yêu cầu cốt nền của các dự án tối thiểu phải đạt + 2 m. Vì vậy, các dự án nâng đường, chống ngập hiện nay được duyệt theo “khung” nêu trên, nghĩa là phải nâng cho đạt cốt từ + 2 m trở lên so với cốt chuẩn quốc gia.
Vậy sắp tới cần phải nâng thêm bao nhiêu tuyến đường để chống ngập? Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập TP, cho biết đơn vị này không có số liệu thống kê cống thoát nước, chỉ có số liệu thống kê về dự án nâng đường. “Theo phương án chống ngập của chúng tôi, các khu vực trũng thấp có diện tích lớn thì không nên nâng đường mà phải dùng đê bao và cống ngăn triều. Vì nếu nâng đường, nhà dân buộc phải nâng lên như vậy diện tích nâng nền sẽ rất lớn. Trên thực tế, khu vực Thanh Đa (Bình Thạnh) và Mễ Cốc (quận 8) chúng tôi không chống ngập theo cách nâng nền” - ông Long khẳng định.
Cũng theo ông Long, trước những ảnh hưởng của các dự án nâng đường, mới đây UBND TP đã giao cho Sở QH-KT tính toán lại cốt nền xây dựng để phù hợp với tình hình mới. “Nếu thực hiện đúng tiến độ thì sau năm 2018, dự án chống ngập triều hoàn thành giai đoạn 1 thì đỉnh triều ở TP sẽ được khống chế. Khi đó, theo tôi, ở những vùng đã hết ngập triều không cần phải nâng đường cao để chống ngập” - ông Long nói thêm.
Một lãnh đạo Sở GTVT cũng cho biết đơn vị này chưa thống kê đầy đủ các dự án nâng đường đã thực hiện cũng như các dự án sẽ thực hiện. Khi chúng tôi đặt vấn đề: TP đang thực hiện nhiều dự án đê bao ngăn triều (mới nhất là dự án chống ngập triều 10.000 tỉ đồng). Bên ngoài đã có đê bao thì sao bên trong lại nâng đường với xu hướng ngày càng cao thì có mâu thuẫn về nguyên lý chống ngập?Vị này cho rằng đúng là trên lý thuyết cách thực hiện như hiện nay là mâu thuẫn song cần phải xem xét kỹ từng dự án cụ thể thì mới kết luận được.
Quá nửa diện tích TP.HCM phải nâng hơn 0,5 m? Theo Trung tâm Chống ngập, TP.HCM có địa hình tương đối thấp, làm hạn chế khả năng thoát nước. Cụ thể, TP.HCM rộng hơn 2.095 km2 thì hơn 876 km2 (gần 42%) có cao độ ≤+ 1,0 m; 455 km2 (gần 22%) có cao độ từ + 1,0 đến + 1,5 m... Chiếu theo cốt chuẩn thì các công trình hạ tầng ở các khu vực trên phải nâng từ 0,5 đến 1 m thì cốt mới đạt 2 m. Tuy nhiên, theo ông Ngô Quang Mãnh, nguyên Trưởng phòng Quản lý thoát nước Sở GTVT, việc chống ngập cần thực hiện theo lưu vực rộng chứ chỗ nào thấp phải nâng thì không thể làm xuể. Chưa kể đường nâng cao còn gây ảnh hưởng đến người dân rất lớn. Không thể chỉ lấy hiệu quả chống ngập mặt đường Năm 2015, chúng tôi khảo sát 22 dự án nâng đường thì ghi nhận hàng trăm tuyến hẻm dọc đường bị trũng thấp, ngập nghẹt, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Tình trạng nâng đường quá cao gây ra nhiều hệ lụy, cần phải tính toán đầy đủ các thiệt hại liên quan đến người dân chứ không thể chỉ lấy hiệu quả về chống ngập mặt đường làm tiêu chí được. Một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM |