Nắng nóng dễ tái phát bệnh tâm thần!

Với kinh nghiệm 15 năm chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chúng tôi ghi nhận: Nắng nóng là yếu tố cộng hưởng khiến người tâm thần đã được điều trị ổn định lên cơn trở lại. Nắng nóng kéo dài dễ làm thay đổi sinh hóa, làm mất cân bằng thần kinh dẫn đến rối loạn chức năng não. Vậy những gia đình có người đã từng bị bệnh tâm thần phải làm sao?

Gia đình phải thường xuyên quan tâm đến người bệnh. Quan trọng nhất là phải nhận biết được dấu hiệu lên cơn của họ. Những dấu hiệu đó là rối loạn hành vi, hành động lặp đi lặp lại không đáng. Thay vì lau cái ghế một lần đã sạch thì người ta cứ lau đi lau lại. Các dấu hiệu khác như cáu gắt, trầm cảm, mất ngủ, ánh mắt vô thần… Những lúc đó người nhà phải cho uống thuốc an thần ngay, có thể cho uống tăng liều và đưa đến trung tâm hoặc bệnh viện.

Người nhà không nên để những vật bén, nhọn, vật dễ cháy trong tầm quan sát của người bệnh vì khi tái phát cơn dễ xảy ra những hiểm họa khó lường. Chìa khóa xe máy cũng cần phải cất kỹ, tránh để người tâm thần khi tái phát cơn lấy xe chạy ra đường.

Khi có tình huống căng thẳng xảy ra, phải dùng biện pháp tâm lý với người tâm thần. Ví dụ một bà mẹ tâm thần cứ ôm chặt đứa con trong lòng. Người nhà sợ đứa bé chết ngạt, thay vì giành kéo đứa bé ra thì phải dỗ người mẹ rằng em bé đang khát sữa, hãy đặt bé xuống giường để người nhà cho uống sữa.

Nắng nóng dễ tái phát bệnh tâm thần! ảnh 1

“Gã bụi đời” tâm thần lang thang ở khu vực quận 10 với cây kéo lăm lăm trên tay. Ảnh chụp trưa 16-3: MINH PHONG

Người ở cạnh người bệnh phải coi họ bình đẳng như mình, tránh tranh luận gay gắt. Tránh giao họ làm những việc đòi hỏi tính kiên nhẫn như lắp ghép đồ vật hoặc phải ngồi làm việc quá lâu. Người thân cũng cần lưu ý là tính mặc cảm, tự ti của người bệnh tâm thần rất lớn. Ở các nước tiên tiến có hẳn những xưởng làm việc dành cho bệnh nhân tâm thần. Nơi đó, bệnh nhân tâm thần thích việc gì làm việc đó. Hằng tháng, gia đình lén gửi tiền vào cho nhân viên trong xưởng. Đến cuối tháng, họ dùng tiền đó để phát lương cho người tâm thần để mang về nhà đưa cho gia đình. Làm vậy để người tâm thần tự tin hơn vì thấy mình có ích.

Những bệnh nhân tâm thần đã được điều trị ở trung tâm ổn định sau đó được gia đình xin về điều trị tại nhà. Do bận rộn, nhiều người quên cho bệnh nhân uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. điều quan trọng nhất là gia đình phải luôn duy trì cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn.

Giữa tháng 3-2009, nhiều phóng viên đến hiện trường vụ sập dầm cầu Chợ Đệm (nằm trong dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương) thì gặp một người đàn ông ăn mặc lịch sự, tỏ vẻ am hiểu cũng tham gia “bình loạn” về sự cố. Trong lúc các phóng viên đang loay hoay chọn người để phỏng vấn thì một người chỉ vào người đàn ông này nói: “Chuyên gia đó, phỏng vấn đi!”. Các phóng viên say sưa trao đổi với người đàn ông trên. Được một lúc, ông ta chỉ vào cái thẻ đeo úp trên cổ, cao hứng kể: “Tôi từng là chuyên gia đầu ngành, làm việc cho các công ty nước ngoài. Đi nước ngoài như cơm bữa và được cấp thẻ đi máy bay miễn phí”. Tò mò, một phóng viên lật cái thẻ và hết hồn với dòng chữ: “…Tâm thần nhẹ”.

Bác sĩ CK1 VŨ ĐÌNH SƠN, Trưởng phòng Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM

Lượng bệnh nhân tâm thần tăng mạnh

Ngày 18-3, chị A. ở phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức khi lên cơn tâm thần đã đâm cháu mình khiến người này bị thương phải nhập viện điều trị. Được biết, trước đây chị A. đã từng đâm chết một cháu nhỏ. Sau một thời gian dài điều trị, thấy sức khỏe chị tạm ổn nên trước tết Nguyên đán vừa qua, gia đình đã xin đón chị về nhà. Nhưng trước sự việc trên, ngay trong ngày 18-3, chị lại được đưa vào trung tâm để nhân viên nơi đây chăm sóc.

Trưa 16-3, người dân khu vực chung cư Ngô Gia Tự (quận 10) cũng một phen hoảng hồn vì xuất hiện một thanh niên ăn mặc rất quái dị, cầm trên tay cây kéo bén ngót, ra nhiều đòn võ giữa thinh không. Cảnh sát khu vực và dân phòng nơi đây đã đến xử lý. Hình ảnh người thanh niên này sau đó đã được một tờ báo mạng đăng tải và phong cho biệt danh là “gã bụi đời ăn mặc mốt nhất thành phố”, thông tin này được khá đông người tò mò truy cập.

Những ngày qua, tại khu vực Câu lạc bộ văn hóa phường 13, quận Tân Bình thường có một thanh niên bị tâm thần chạy xe gắn máy đến đây trêu chọc người đi đường. Chị Thắng, người thường xuyên tập thể dục ở đây, cho biết nhiều lúc chị đang đi dạo bộ thì bị anh này theo trêu chọc, nói nhảm khiến chị sợ phải bỏ về sớm...

Ông Nguyễn Văn Ngái, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần TP.HCM, cho biết một tuần qua, số người tâm thần vào trung tâm tăng đột ngột so với trước đó. Trung tâm chỉ có sức chứa 900 bệnh nhân nhưng nay đã lên đến gần 1.200 bệnh nhân. Tình trạng bệnh nhân quá tải khiến nhân viên chăm sóc ở đây cũng vất vả, nước nôi phải luôn đảm bảo đủ để tắm cho bệnh nhân nhiều hơn ngày thường nhằm góp phần dịu bớt cơn bức bối trong người.

Theo ông Ngái, bệnh nhân vào trung tâm những ngày qua có hai dạng: bệnh nhân mới và bệnh nhân bị tâm thần tái phát mà trời nắng nóng quá cũng là một tác nhân.

. Không cho người bệnh ra đường khi trời nắng nóng?

+ Tùy. Tránh cho họ ra ngoài khi trời quá nóng, tránh xa tiếng ồn (nhất là những tiếng dập máy, khoan bê tông…). Khi người bệnh ở trong nhà, cần giảm nhiệt cho họ như quạt, điều hòa, tắm mát. Không để họ trong phòng đóng kín cửa. Tuy nhiên, cũng nên thay đổi môi trường bằng cách đưa người bệnh đến nơi mát mẻ, có nhiều cây cối.

. Không nên cãi vã trước mặt người bệnh?

+ Đúng. Khi thấy người nhà lớn tiếng, gắt gỏng với nhau, họ có thể suy nghĩ rằng tại vì mình mà gia đình mới lục đục như vậy.

. Cứ để người bệnh nghỉ ngơi, không cho họ làm việc?

+ Sai. Người nào thích lao động thì cho họ làm những việc nhẹ để họ thấy mình có ích, ví dụ nhổ cỏ, trồng hoa, tưới cây...

. Bệnh tâm thần có thể tái phát theo chu kỳ?

+ Đúng. Bác sĩ nào điều trị sâu sát với bệnh nhân sẽ biết chu kỳ lên cơn của từng bệnh nhân, có người ba tháng, có người ngắn hoặc dài hơn. Bệnh nhân nữ thường lên cơn trước khi có kinh nhưng cũng có người nhìn thấy máu kinh là bắt đầu lên cơn!

. Bệnh viện, trung tâm thường cấp thẻ “Tâm thần nhẹ” cho bệnh nhân đeo ra đường?

+ Sai. Không có cơ quan nào cấp thẻ như thế. Gia đình thường ghi họ tên, bệnh tình vào ngực áo; cho đeo thẻ hoặc xăm số điện thoại để người lạ biết khi tiếp xúc. Họ hy vọng lỡ bệnh nhân có đi lạc hoặc gây chuyện thì được người tốt đưa về nhà.

Bác sĩ CK1 VŨ ĐÌNH SƠN, Trưởng phòng Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm