Ông Jens Stoltenberg - Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho hay khối quân sự này sẽ đáp trả việc Nga triển khai hệ thống tên lửa Iskander-M, trong đó có những hệ thống được trang bị tên lửa 9M729.
Siêu tên lửa 9M729 là loại tên lửa từng gây tranh cãi và là lý do Mỹ đưa ra để rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019.
Hệ thống tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: SPUTNIK
“Để đối phó tên lửa SSC-8 của Nga (NATO gọi là 9M729), chúng tôi sẽ triển khai các hệ thống phòng không và chống tên lửa, các vũ khí thông thường, tăng cường tính sẵn sàng chiến đấu và kéo dài thời gian cảnh báo” - ông Stoltenberg nói với đài NTV của Đức hôm 13-1.
Theo ông Stoltenberg, những biện pháp này đã được các bộ trưởng quốc phòng NATO nhất trí và sẽ được triển khai trong năm 2020.
Cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước INF khi triển khai tên lửa 9M729, ông Stoltenberg gọi việc triển khai tên lửa này là “một phần trong chiến lược của Nga nhằm đầu tư mạnh vào công nghệ hiện đại, trong đó có vũ khí hạt nhân hiện đại”.
Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng các biện pháp mà khối liên minh sắp thực hiện về bản chất là mang tính “phòng thủ”. Ông lưu ý rằng NATO chưa có kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất tới các quốc gia ở châu Âu.
Mỹ thông báo đình chỉ các cam kết của nước này trong Hiệp ước INF hồi năm ngoái, cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của thỏa thuận năm 1987 khi triển khai tên lửa 9M729. Mỹ cho rằng tên lửa này có tầm bắn hơn 500 km, vốn bị cấm trong INF.
Nga bác cáo buộc, công khai các chỉ số của tên lửa 9M729 và đã cho phép phái đoàn quân sự nước ngoài và báo giới thanh sát tên lửa này.
Nga sau đó tố ngược Mỹ lấy 9M729 ra làm lý do để xé bỏ thỏa thuận INF. Moscow cho rằng Mỹ đã triển khai trái phép các máy bay không người lái chiến đấu, chế tạo các tên lửa vi phạm INF và triển khai tên lửa Aegis Ashore ở Ba Lan và Romania.
Trong năm 2019, quân đội Nga đã nâng cấp các hệ thống tên lửa chiến thuật sử dụng bệ phóng Iskander-M. Hệ thống này có tầm bắn tối đa 500 km, có khả năng mang cả đầu đạn thường và hạt nhân.