Nên dạy chữ P riêng như những chữ khác

Trong tuần qua, những thông tin về sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 không dạy chữ P đã nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc. Nhiều bạn đọc băn khoăn trên thực tế có những từ như địa danh có chữ P đứng trước và phải ghép với chữ H, nếu SGK không dạy thì đây quả là một lỗ hổng.

Mới đây, nhà giáo Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội), đã viết một thư ngỏ gửi bộ trưởng Bộ GD&ĐT phản ánh sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P độc lập. 

Một tiết học của HS lớp 1, Trường Tiểu học Hồng Đức (quận 8, TP.HCM.) 
Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chủ biên bộ sách phải đưa ra được lý lẽ hợp tình

Liên quan đến việc dạy chữ P trong chương trình SGK Tiếng Việt 1, cô Nguyễn Thị Linh (giáo viên cấp I, hệ thống giáo dục Bạch Dương, Hà Nội) cho biết mình sử dụng bộ sách Cánh diều, trong đó chữ P thường được dạy các con để đọc những chữ cái phiên âm, ví dụ như pi-a-nô, Sa Pa, sạc pin…

Theo cô Linh, chữ P đứng độc lập được sử dụng khá ít trong tiếng Việt. Nhưng đây là một âm quan trọng và cần có trong chương trình giảng dạy ngang bằng như các chữ cái khác.

Tuy nhiên, ở quan điểm khác, cô Nguyễn Thu Trang, giảng viên một trường sư phạm ở Hà Nội, có nhiều kinh nghiệm trong việc tập huấn môn tiếng Việt cho giáo viên cấp tiểu học, cho rằng chữ P và âm “pờ” vẫn được đưa vào dạy trong cuốn Tiếng Việt lớp 1 ở tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.

Theo đó, chữ P không được tách ra dạy riêng mà nằm trong bài học chữ PH, âm “phờ”. Khi dạy, giáo viên sẽ hướng dẫn học sinh (HS) chữ PH gồm chữ P và chữ H ghép lại với nhau. Trong đó, giáo viên có tách riêng chữ P, cho các con ghép với các nguyên âm để tạo thành tiếng.

Theo quan điểm của PGS-TS Hoàng Thị Tuyết, chủ nhiệm đề tài về dạy đọc tiếng Việt ở tiểu học, việc có dạy chữ P hay không cần căn cứ vào bộ chữ cái mà Bộ GD&ĐT công bố. Nếu bộ chữ cái của bộ đưa ra có chữ P thì phải dạy.

Theo PGS-TS Hoàng Thị Tuyết, âm P không làm âm đầu, không xuất hiện trong âm đầu các từ trong tiếng Việt nhưng nó xuất hiện ở âm cuối. Ví dụ: Cấp, thấp, tháp… rất nhiều từ có âm P ở cuối. Có lẽ âm P không xuất hiện ở vị trí âm đầu như H, T… vì vậy họ không đưa được từ nào để dạy cho nên bỏ. Có những âm vừa đảm nhiệm chức năng âm đầu lẫn âm cuối, ví dụ N, M. Nhưng cũng có những phụ âm chỉ xuất hiện làm mỗi âm đầu như H.

“Theo tôi, muốn đồng tình hay không đồng tình thì chủ biên bộ sách phải đưa ra được lý lẽ hợp tình. Chúng ta cũng cần xem lại chương trình cũ họ có dạy không, xử lý dạy âm P như thế nào…” - PGS-TS Hoàng Thị Tuyết nói.

Cũng theo vị PGS-TS này, trong bộ chữ cái ghi âm có những chữ cái chỉ thực hiện một chức năng âm đầu hoặc âm cuối, thông thường làm âm đầu nhiều hơn. Riêng chữ P là chữ khá đặc biệt, nó chỉ phụ trách làm âm cuối, đóng vai trò âm cuối của các tuyến từ, có lẽ vì lý do đó bộ Kết nối tri thức với cuộc sống đã bỏ. Không dạy trực tiếp nhưng có thể dạy gián tiếp, cho trẻ biết đó là âm P.

Các chữ nên được dạy bình đẳng như nhau.

Bạn đọc Đặng Phước Hải ý kiến: “Đã là cải cách thì phải cho thấy được ý nghĩa và giá trị thực tiễn mang lại lợi ích chung, tiến bộ. Nếu cải cách không tạo ra giá trị mới hoặc không cải thiện được kỹ năng thì việc cải cách không có ý nghĩa.

Các nước sử dụng chữ tượng hình đang cố gắng chuyển đổi qua bộ chữ Latinh, mình lại muốn lược bỏ là sao? Chữ P phát âm trong tiếng Việt cũng gần với âm P trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Theo tôi thì cứ để dạy như trước đây, không việc gì phải thay đổi, vì việc thay đổi không mang lại ý nghĩa nào lại còn gây tốn kém”.

Bạn đọc Nguyễn Nguyên nêu: “SGK trước đây trình bày rất dễ hiểu, em bé ngồi trên chiếc ô tô đồ chơi kèm theo tiếng còi pí pa pí pô. Cạnh bên là hình ảnh những ngôi nhà kèm theo từ “phố xá”. Đơn giản nhưng đầy đủ và rất dễ hiểu. Qua mấy đợt cải cách, quả thật tôi muốn dạy con có khi không biết dạy cách nào. Tôi cho rằng nên dạy chữ P độc lập như những chữ khác, không thể dạy ghép chung thành chữ PH. Càng không thể ghép chung mà rồi bảo giáo viên dạy gián tiếp được. Bởi nếu chữ P không được dạy độc lập và trong chương trình giáo viên không cần dạy thêm thì trẻ sẽ không biết đọc”.

Bạn đọc Mạnh Hoàng bình luận: “Thay đổi là tốt nếu thay đổi đó hợp lý. Nếu đã gọi là bảng chữ cái thì các chữ nên được dạy bình đẳng như nhau. •

Sách giáo khoa vẫn dạy HS chữ P

Trong sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, bảng chữ cái gồm 29 chữ vẫn được thể hiện đầy đủ theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Ở nhiều bài học trong sách tập 1, HS được học và luyện viết chữ P qua ngữ liệu là những từ như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen… (trang 78, 118, 120, 124). Sang tập 2, trong các văn bản đọc thì số các từ có chữ P cũng rất nhiều. 

Cách dạy chữ P trong bộ sách này là trong bài về âm PH, chứ không phải dạy về âm P độc lập. Đây là sự kế thừa theo cách dạy của SGK cũ, vốn có thể dạy theo hai cách: Dạy âm đầu P trong bài dạy âm PH. Trước khi học âm PH, HS được luyện đọc âm P, chứ không học âm P riêng và không có từ ứng dụng riêng cho âm đầu P. Hoặc dạy âm P riêng và đưa những “từ ứng dụng” như pi-a-nô/piano, pa-nô/panô để HS tập đọc và phát triển vốn từ.

Sách Tiếng Việt 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống chọn cách thứ nhất, vẫn quen thuộc với giáo viên tiểu học trên cả nước.

PGS-TS BÙI MẠNH HÙNGchủ biên SGK Tiếng Việt 1,
bộ 
Kết nối tri thức với cuộc sống

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm