Trên toàn cầu, con người thải ra hơn 300 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm và con số đó đang tăng lên. Trong tổng số rác thải nhựa bị thải ra, chỉ có 9% được tái chế. Phần còn lại chỉ được vận chuyển đi đốt hoặc xử lý như rác thải thông thường.
Nguyên nhân chính của vấn đề này là 50% nhựa chúng ta sản xuất là loại nhựa sử dụng một lần. Vì được sử dụng một lần và dễ dàng vứt bỏ nên nó đã khiến lượng rác thải ra môi trường tăng nhanh chóng.
Một phần rác thải nhựa này đổ vào đại dương, gây ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng các loài sinh vật và cả con người. Nhiều nước và tổ chức đã tích cực đề ra các giải pháp nhằm hạn chế tác hại của rác thải nhựa trên biển đối với môi trường và sức khỏe các loài sinh vật.
Sự nguy hiểm của rác thải nhựa đại dương
Theo tổ chức phi lợi nhuận The Marine Mammal Center (Mỹ), rác đại dương là thuật ngữ chung để chỉ tất cả mảnh vụn do con người tạo ra và thải vào biển. Khoảng 90% rác thải được tìm thấy trong các đại dương là nhựa. Phần lớn lượng rác thải này có tác động đến sinh vật biển và hệ sinh thái biển.
Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), rác của một người sống cách bờ biển hàng trăm km cũng có thể trôi ra biển. Theo đó, trong quá trình rác được vận chuyển đến bãi rác, nhựa thường bị thổi bay đi vì chúng rất nhẹ. Từ đó, lượng nhựa này có thể rơi vào cống, sông và đi ra biển.
Khi nhựa đi vào trong đại dương, chúng phân hủy rất chậm, vỡ thành những mảnh nhỏ gọi là vi nhựa. Vi nhựa có thể xâm nhập chuỗi thức ăn ở biển và trở nên vô cùng nguy hại đối với sinh vật biển.
Ngoài ra, các sản phẩm vệ sinh con người sử dụng hàng ngày cũng có thể chứa vi nhựa. Những hạt vi nhựa này rất nhỏ đến nỗi các nhà máy xử lý chất thải không thể lọc. Do đó, chúng dễ dàng đi vào đại dương.
Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ước tính mỗi năm có 14 triệu tấn nhựa đổ ra đại dương. Điều đó tương đương mỗi phút có hơn một xe tải rác nhựa đổ xuống biển. Đài National Geographic ước tính có 5.250 tỉ mảnh rác nhựa trong đại dương.
WWF ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 động vật biển chết do nuốt phải nhựa hoặc vướng vào các ngư cụ bằng nhựa bị vứt bỏ. Tổ chức này cũng cảnh báo đến năm 2050 số lượng rác thải nhựa trong đại dương có thể nhiều hơn cả số lượng cá.
Cá ăn phải hàng tấn nhựa mỗi năm. Theo trang tin Marine Insight, ô nhiễm nhựa càng nghiêm trọng thì nhựa có khả năng đi sâu vào chuỗi thức ăn, làm tăng khả năng đi vào cơ thể con người và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Ngay cả cá voi - loài động vật có vú lớn nhất ở biển – cũng không thể tránh khỏi cái chết do rác thải nhựa gây ra. Nhiều con cá voi được phát hiện đã chết với hàng tấn nhựa trong bụng.
Theo báo cáo của IUCN, vi nhựa được tìm thấy trong nước máy, bia, muối và có mặt trong tất cả mẫu nước được thu thập ở các đại dương trên thế giới, bao gồm khu vực biển gần Bắc Cực.
Hồi năm 2022, các nhà khoa học công bố nghiên cứu tìm thấy vi nhựa trong máu người.
Theo các nhà nghiên cứu, các hạt nhựa được phát hiện trong 17/22 mẫu máu của những người trưởng thành khỏe mạnh tham gia nghiên cứu. Trong đó, 1/3 số mẫu có polystyrene – loại nhựa được sử dụng để đóng gói thực phẩm, 1/2 số mẫu chứa nhựa PET – thường được sử dụng trong chai nước giải khát, 1/4 số mẫu máu có chứa Polyethylene – thường dùng để làm túi đựng bằng nhựa, theo tờ The Guardian.
Giải pháp nào cho ô nhiễm nhựa trên đại dương?
Theo nhiều chuyên gia, giải pháp chủ yếu để hạn chế rác thải nhựa đại dương là chúng ta nên sử dụng nhựa một cách hợp lý.
Theo nhận định của ông Erik Solheim, cựu Giám đốc Điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), "nhựa không phải là vấn đề, vấn đề là chúng ta sử dụng nhựa như thế nào".
Báo cáo của UNEP vào tháng 5-2023 cho biết các quốc gia có thể cắt giảm 80% ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Báo cáo của UNEP đưa ra lộ trình cho các chính phủ và doanh nghiệp nhằm cắt giảm đáng kể mức độ ô nhiễm nhựa, tập trung vào 3 chiến lược chính: tái sử dụng, tái chế và vật liệu thay thế, theo The Guardian.
Năm 2018, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Hiến chương về Nhựa Đại dương. Hiến chương đảm bảo nhựa được thiết kế để tái sử dụng và tái chế.
Các tổ chức khu vực, quốc gia cũng xây dựng các chính sách nhằm chống lại ô nhiễm nhựa.
Tờ Global Enterprise đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua mức thuế 0,8 euro (khoảng 1 USD) mỗi kg đối với rác thải bao bì nhựa không tái chế. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Báo cáo từ tập đoàn ngân hàng Đức Deutsche Bank cho biết thuế nhựa nhằm “tạo động lực cho các quốc gia thành viên giảm chất thải và tăng cường tái chế”.
Năm 2019, Việt Nam công bố Kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa đại dương. Mục tiêu giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025, 75% vào năm 2030, và loại bỏ nhựa sử dụng một lần khỏi các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.
Năm 2016, chính phủ Canada đã triển khai Kế hoạch bảo vệ đại dương trị giá 1,5 tỉ USD.
Theo hãng tin Anadolu Agency, Indonesia có kế hoạch thực hiện chính sách hạn chế nhựa sử dụng một lần, nỗ lực giảm 70% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025. Quy định yêu cầu các nhà sản xuất bao bì giảm 30% sản lượng rác thải trong 10 năm.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã công bố Chiến lược Tái chế Quốc gia vào tháng 11- 2021 và tái khẳng định mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế của nước này lên 50% vào năm 2030.
Theo tờ World Economic Forum, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố kế hoạch loại bỏ tất cả đồ nhựa sử dụng một lần ở nước này vào năm 2019.
Trong khi đó, Trung Quốc, Kenya và Morocco đã thực hiện lệnh cấm túi nhựa mỏng.
Ông Judith Enck - chủ tịch của Beyond Plastics, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào nghiên cứu và giáo dục người tiêu dùng, chia sẻ với đài CNN: “Các ngành công nghiệp nhựa và hóa dầu đang khiến việc hạn chế lượng nhựa làm ô nhiễm đại dương của chúng ta trở nên bất khả thi”.
Theo đó, ông Enck cho rằng các nước cần ban hành chính sách hạn chế doanh nghiệp sản xuất nhựa, đặc biệt là khi các công ty đang tiếp tục tìm ra nhiều cách sản xuất thêm nhựa để tối đa hóa lợi nhuận kinh doanh.