Băng trên bề mặt đại dương ở Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục

(PLO)- Băng trên bề mặt đại dương ở Nam Cực xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông này, kể từ khi thông số trên được tính vào năm 1979.

Ngày 25-9, Trung tâm Dữ liệu Băng tuyết Quốc gia Mỹ (NSIDC) cho biết băng trên bề mặt đại dương xung quanh Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông này. Theo hãng tin Reuters, thông tin này cho thấy biến đổi khí hậu đang tác động ngày càng mạnh lên cực nam của Trái Đất.

NSIDC cho biết diện tích băng trên bề mặt đại dương ở Nam Cực giảm xuống mức thấp nhất vào ngày 10-9, bao phủ chỉ 16,96 triệu km vuông. Đây là mức thấp nhất kể từ khi NSIDC bắt đầu đo lượng băng ở Nam Cực vào năm 1979. Ngoài ra, con số này cũng thấp hơn khoảng 1 triệu km vuông so với mức thấp kỷ lục được thiết lập vào năm 1986.

WWAVB42HMJMGNBA5U6L5VDOJHE.jpg
Một tảng băng trôi gần đảo Two Hummock, Nam Cực. Ảnh: REUTERS

Các nhà nghiên cứu cảnh báo sự sụt giảm lượng băng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với các loài động vật như chim cánh cụt, vì chúng đẻ trứng và nuôi con trên những vùng băng này.

“Đây không chỉ là một năm phá kỷ lục mà còn là một năm phá kỷ lục cực độ” - ông Walt Meier, nhà khoa học cấp cao của NSIDC, nói.

NSIDC cho biết số liệu trên chỉ là thông tin sơ bộ. Phân tích chi tiết sẽ được công bố vào tháng 10.

Theo Reuters, băng ở Nam Cực đạt diện tích cao nhất vào khoảng tháng 9 hàng năm - thời điểm gần cuối mùa đông ở khu vực nam bán cầu. Sau đó, lượng băng này sẽ tan ra và xuống mức thấp nhất trong khoảng tháng 2, tháng 3 hàng năm - thời điểm mùa hè ở nam bán cầu.

Cho đến thời điểm này, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được biến đổi khí hậu đang tác động ra sao đến băng trên bề mặt đại dương ở Nam Cực. Tuy nhiên, các nhà khoa học xác nhận rằng nhiều sông băng ở khu vực này đã tan chảy trong những năm gần đây, do nhiệt độ toàn cầu tăng lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm