Trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, Ukraine đã trở thành nơi thử nghiệm tất cả các thiết bị quân sự của Nga, từ máy bay, xe tăng cho tới vũ khí tác chiến điện tử. Tuy nhiên, một số hệ thống dường như đến nay vẫn vắng mặt trong cuộc chiến. Trang 19fortyfive đã liệt kê một số vũ khí Nga sẽ không đưa sang Ukraine tham chiến.
Rõ ràng xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của quân đội Nga đến nay chưa thấy xuất hiện trên chiến trường Ukraine. Vũ khí chính của T-14 Armata là pháo nòng trơn 2A82-1M cỡ nòng 125 mm với cơ số đạn 45 viên cùng hệ thống nạp đạn tự động tiên tiến. Thiết kế của T-14 Armata còn có một khoang riêng được bọc thép dành cho tổ lái.
Xe tăng T-14 Armata của Nga trên đường tới Quảng trường Đỏ tham gia buổi tập dượt lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng hôm 9-5-2015. Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AP |
Có một số lý do giải thích tại sao Nga không triển khai xe tăng hiện đại này ra chiến trường Ukraine.
Thứ nhất, đến nay chỉ có một ít xe tăng T-14 nguyên mẫu được chế tạo, điều này đồng nghĩa rằng để mất một hoặc vài chiếc T-14 Armata sẽ đặc biệt nghiêm trọng và các triển vọng của dự án như một mẫu xe tăng mà chính phủ Nga tìm cách mua hàng ngàn chiếc và bán ra nước ngoài sẽ bị đe dọa.
Theo trang The Conversation, giới phân tích phương Tây đã bắt đầu chú ý đến mẫu xe tăng này kể từ khi nó lần đầu được trình làng năm 2015. T-14 là bước tiến đáng kể so với tất cả loại xe tăng trước đây của Nga. Một số báo cáo đáng tin cậy của Nga cho thấy chương trình T-14 Armata đang gặp vấn đề về sản xuất và độ phức tạp. Chưa hết, công ty đang sản xuất Armata cũng gặp vấn đề tài chính.
Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, xe tăng T-14 Armata sẽ bắt đầu được sản xuất hàng loạt trong năm nay.
Thứ hai, với mức giá quá cao 3,7 triệu USD/chiếc cùng một số thành phần kỹ thuật cao nhất định, việc thay thế những chiếc xe tăng T-14 Armata bị phá hủy sẽ trở thành gánh nặng cho ngành sản xuất quốc phòng của Nga vốn đã bị trừng phạt mạnh.
Tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm Su-57
Tiêm kích tàng hình đa nhiệm Su-57 của Nga dường như cũng vắng bóng trên chiến trường Ukraine bất chấp Nga tuyên bố điều ngược lại. Mặc dù Nga từng tuyên bố Su-57 đã bắt đầu hoạt động ở Ukraine ngay từ những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, nhưng không có bằng chứng cho thấy mẫu tiêm kích tàng hình hiện đại này đã hoạt động ở Ukraine.
Các nguồn tin từ Nga thường xuyên khẳng định rằng Su-57 có tất cả tính năng nổi bật của một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, chẳng hạn như khả năng tàng hình, hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, công suất tính toán cao. Tuy nhiên, nhiều khả năng trong số này có thể còn lâu mới đạt được và Su-57 có thể đang thiếu nhiều tính năng mà các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm tương tự như F-35 của Mỹ sở hữu.
Su-57 Felon. Ảnh: Creative Commons |
Có thể lo ngại của Nga khi không đưa Su-57 tham chiến ở Ukraine cũng tương tự như lo ngại của việc họ không dám mạo hiểm đưa xe tăng T-14 Armata sang chiến trường Ukraine. Đến nay chỉ có một số ít tiêm kích Su-57 được sản xuất và việc mất Su-57 trước hệ thống phòng không có từ thời Liên Xô và gần như đã lỗi thời của Ukraine sẽ là một vết đen đáng xấu hổ đối với khả năng bán tiêm kích này ra thị trường trong tương lai.
Vũ khí hủy diệt hàng loạt
Nga đã sử dụng tên lửa có khả năng hạt nhân để tấn công các mục tiêu trên khắp Ukraine nhưng nước này vẫn chưa sử dụng bất kỳ vũ khí hạt nhân nào ở đó.
Hiện tại, kho vũ khí hóa học tiên tiến và có quy mô đáng kể của Nga cũng dường như không có gì đáng bàn và chưa từng được sử dụng.
Chưa thể nói trước về khả năng Nga sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraine để ngăn chặn sự can thiệp của phương Tây. Tuy nhiên nếu Nga có sử dụng bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào đều sẽ bị quân đội Ukraine và các nhà quan sát quốc tế phát hiện ra ngay lập tức.