Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố ngày 28-12 của Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho hay thử nghiệm sơ bộ S-500 sẽ bắt đầu vào năm 2020 và quân đội Nga dự kiến sẽ thêm tổ hợp phòng không này vào biên chế vào năm 2025.
Hồi tháng 10, truyền thông Nga tiết lộ nhiều khả năng Moscow đang đưa S-500 đến Syria để thử nghiệm. Dù vậy, Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận tin đồn trên, khẳng định Syria không phải là địa điểm thích hợp để thử nghiệm S-500.
“Hệ thống S-500 được thiết kế để tiêu diệt các tên lửa đạn đạo và mục tiêu khí động học từ khoảng cách xa. Do đó, không cần phải thử nghiệm hệ thống phòng không S-500 ở Syria” - hãng tin TASS dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Hệ thống phòng không S-400 của Nga xuất hiện trong buổi duyệt binh ngày Chiến thắng phát xít Đức, tháng 5-2019. Ảnh: REUTERS
Hiện các thông số kỹ thuật của S-500 vẫn chưa được công bố. Quá trình sản xuất S-500 đã bắt đầu hồi đầu năm 2019 và quân đội Nga được cho là đã tiến hành nhiều thử nghiệm khác nhau. Nhiều nguồn tin quốc phòng và từ đơn vị chế tạo khẳng định S-500 là bản nâng cấp vượt trội so với người tiền nhiệm S-400 SAM.
Tạp chí The National Interest cho hay tổ hợp này có thể đánh chặn tên lửa hành trình tầm trung, tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu thanh bay với tốc độ lên tới năm Mach, cũng như tên lửa đạn đạo liên lục địa trong giai đoạn cuối. S-500 sẽ được trang bị tên lửa có khả năng bay tới quỹ đạo tầm thấp của Trái đất, giúp nó có thể trở thành vũ khí chống vệ tinh và đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa ở giai đoạn giữa.
Thậm chí S-500 có thể tấn công được các mục tiêu ở độ cao hơn 96 km - khu vực cận không gian (near-space zone), nơi mà hầu hết vệ tinh quân sự của các nước đang hoạt động.
Quá trình sản xuất hàng loạt S-500 dự kiến khởi động vào nửa sau năm 2020.