Ngày 4-8, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại khi bạo lực bùng phát giữa các lực lượng do Armenia hoặc Azerbaijan hỗ trợ, gây ra nhiều thương vong ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, đài RT đưa tin.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang "nỗ lực hết mình" để ổn định tình hình ở khu vực này, đồng thời phân ưu với người thân của những nạn nhân thiệt mạng do giao tranh gần đây.
Theo cơ quan trên, Nga cũng đang tích cực đàm phán với Armenia và Azerbaijan ở tất cả các cấp, bao gồm thảo luận với hai nguyên thủ quốc gia. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov hiện đang “liên hệ chặt chẽ với các đồng nghiệp Azerbaijan và Armenia” để thảo luận về tình hình.
|
Lính Armenian nã pháo vào lực lượng Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh vào năm 2020. Ảnh: AP |
Moscow kêu gọi Armenia và Azerbaijan hết sức kiềm chế, đồng thời đề nghị hai bên giải quyết khác biệt bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, phù hợp với thỏa thuận ngừng bắn năm 2020 do Nga làm trung gian, đồng thời sử dụng các hình thức đàm phán 3 bên hiện nay.
Thông báo của Nga được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng tái bùng phát ở khu vực Nagorno-Karabakh. Đầu tuần này, Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau khiêu khích quân sự.
Gần đây nhất, hôm 3-8, Azerbaijan đã mở chiến dịch quân sự gọi là “Chiến dịch Báo thù” (Operation Revenge) ở khu vực tranh chấp để “phi quân sự hóa khu vực” và đối phó với những hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn của dân quân địa phương.
Baku cũng nói rằng việc binh sĩ Armenia và các nhóm vũ trang bất hợp pháp có mặt ở các vùng lãnh thổ Azerbaijan là một mối đe dọa và muốn loại bỏ các lực lượng này.
Khu vực Nagorno-Karabakh được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Tuy nhiên, dân cư ở khu vực này chủ yếu là người Armenia và vùng Nagorno-Karabakh đòi tách khỏi Azerbaijan vào những năm 1990. Trên thực tế, khu vực này được quyền tự quản và được Armenia hỗ trợ kể từ đó.
Vào năm 2020, chiến tranh giữa Baku và Yerevan đã nổ ra và kéo dài 44 ngày ở Nagorno-Karabakh và kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian. Sau đó, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã được triển khai tới khu vực này.