Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc giảm lãi suất?

(PLO)- Số liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm ngoái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.

Tương tự, trên thị trường ngoại tệ thanh khoản vẫn thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ đầu năm nay, NHNN đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn đồng vào lưu thông.

Lãi suất cho vay sẽ giảm mạnh hơn?

Quan sát của NHNN cho thấy, tình hình kinh tế trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là hoạt động xuất khẩu do cầu thế giới chậm lại, các vấn đề tồn tại của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản chưa thể sớm giải quyết. Một số chỉ số kinh tế giảm so với cùng kỳ như sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, giải ngân FDI, khiến nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng chậm.

Để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, tháng 2 vừa qua các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 -12 tháng.

Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định, hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới phổ biến ở mức 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng khoảng 9,4%/năm. Trong đó, nhiều nhà băng đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.

Trước tính hình đó, NHNN chính thức điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Nhà điều hành cho rằng đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế. Qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5,0%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên.

Giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế còn nhiều bất trắc

Dù vậy, NHNN nhấn mạnh rằng không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023.

Lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao, các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao. Đặc biệt là động thái của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp chính sách vào ngày 21-22/3 tới đây, trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) vừa bị phá sản tại Mỹ.

Hiện kinh tế toàn cầu và trong nước còn nhiều bất trắc, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm