Trong bối cảnh nợ xấu có nguy cơ gia tăng, nhiều ngân hàng ráo riết rao bán các khoản nợ với mức chiết khấu có khi lên đến 70%-85%. Tuy nhiên, bài toán tìm người mua không hề đơn giản trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.
Ngân hàng mạnh tay giảm giá khoản nợ
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) công bố danh sách tài sản bảo đảm cần xử lý để thu hồi nợ. Tổng giá trị các tài sản bảo đảm cần xử lý lên tới khoảng 8.000 tỉ đồng.
Cụ thể, ngân hàng này công bố danh sách gần 400 tài sản bảo đảm, chủ yếu là bất động sản (BĐS) nằm ở nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP.HCM, Kiên Giang… trong đó có nhiều BĐS du lịch.
Đơn cử như quyền sử dụng đất tại dự án Khu du lịch sinh thái thể thao biển Hội An (Quảng Nam) có giá khởi điểm gần 62 tỉ đồng, hay khu resort Fenshui (Bình Thuận) được rao bán với giá khởi điểm gần 42,5 tỉ đồng.
Trong nhóm BĐS được rao bán còn có hàng loạt khách sạn 4-5 sao, homestay, biệt thự. Trong đó có một khách sạn 5 sao tại Đà Nẵng, quy mô 236 phòng, được chào bán với giá 600 tỉ đồng. Riêng tại Hội An, ngân hàng này rao bán gần 60 khách sạn, BĐS khác nhau với giá từ vài chục tới vài trăm tỉ đồng.
|
Các ngân hàng rao bán tài sản bảo đảm là nhiều bất động sản giá hời. Ảnh minh họa: TIỂU MINH |
Trước đó, Ngân hàng VietinBank cũng thông báo rao bán lần thứ bảy đối với khoản nợ của một công ty tại quận 12. Khoản nợ này cộng gốc và lãi là 46,5 tỉ đồng nhưng ngân hàng chào giá khởi điểm chỉ gần 6,7 tỉ đồng mà cũng không chắc chắn bán được.
Không chỉ Ngân hàng VietinBank, gần đây nhiều ngân hàng khác cũng ráo riết rao bán BĐS là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng nhằm xử lý thu hồi nợ. Đơn cử Ngân hàng Sacombank thông báo bán hàng loạt khoản nợ xấu có giá trị lên đến hàng trăm tỉ đồng, trong đó có các sản phẩm thuộc dự án căn hộ Xi Grand Court ở quận 10, TP.HCM. Tương tự, Ngân hàng Vietcombank cũng thông báo tiếp tục phát mại một BĐS là khu resort Mỹ Khê tại xã Tịnh Khê (Quảng Ngãi).
Bán tài sản bảo đảm không phải là ưu tiên
Đại diện một số ngân hàng giải thích việc rao bán, thanh lý, phát mại tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách nhằm xử lý thu hồi nợ vay. Tình hình doanh nghiệp khó khăn, đơn hàng sụt giảm… khiến nợ xấu gia tăng.
Để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, các ngân hàng thường dành một khoảng thời gian nhất định, có thể là 3-6 tháng để người vay tự tìm cách rao bán tài sản. Với cách này, sau khi trả hết tiền lãi cho ngân hàng, khách hàng vẫn còn dư được một khoản.
Lý giải về việc có nhiều khoản nợ, tài sản bảo đảm được ngân hàng rao bán đấu giá nhiều lần không thành, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB, phân tích: “Việc bán tài sản nhanh hay chậm phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất là tính thanh khoản của loại hàng hóa đó. Thứ hai là cung - cầu của thị trường. Khi nhu cầu của thị trường cao thì việc bán hàng bao giờ cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra phải kể đến tâm lý của người mua.
Hiện nay giao dịch đang đóng băng, người dân đều kỳ vọng giá BĐS sẽ còn xuống nữa nên cân nhắc rất kỹ”.
Trong bối cảnh như hiện tại, một số ngân hàng tìm cách kích cầu để bán nhanh các khoản nợ. Tuy vậy, lãnh đạo Ngân hàng OCB cho rằng việc xử lý rao bán tài sản là bước cuối cùng. Bởi trong những khách hàng bị nợ xấu cũng có những người vì kinh doanh mạo hiểm, đầu cơ nhà đất, ra quyết định đầu tư không chính xác… mà gây ra vỡ nợ. Song cũng có nhiều khách hàng gặp khó khăn do tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, do đơn hàng sụt giảm, do sức cầu yếu…
“Vậy nên giải pháp ưu tiên của chúng tôi là phải tháo gỡ cho doanh nghiệp ngay khi họ gặp khó khăn về tài chính chứ không phải chờ cho đến khi họ “chết” rồi mình mang tài sản đi bán” - ông Tùng nhấn mạnh.
Bán nợ khó hơn bán tài sản bảo đảm
Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính ngân hàng, phân tích: Mỗi ngân hàng có cách xử lý khác nhau đối với tài sản bảo đảm, trong đó có BĐS. Đối với rao bán khoản nợ thì người mua nợ được kế thừa quyền của người cho vay (tức là quyền đi thu nợ) nhưng tài sản vẫn phải xử lý theo trình tự pháp luật. Tùy từng loại tài sản để bảo đảm khoản nợ mà quy trình xử lý cũng khác nhau, có những tài sản dễ xử lý và có những tài sản khó xử lý, chưa nói đến những tài sản bảo đảm cho khoản nợ còn đang vướng tranh chấp pháp lý.
Do đó, rao bán khoản nợ bao giờ cũng khó khăn hơn so với rao bán tài sản bảo đảm. Hơn nữa, đối tượng người mua khoản nợ cũng thu hẹp hơn so với người mua tài sản bảo đảm bởi không phải ai cũng có nghiệp vụ thu hồi nợ và khả năng thu hồi nợ.
Còn với rao bán tài sản bảo đảm, tức là ngân hàng đã được phép thu giữ tài sản hoặc có quyền phán quyết của tòa để ngân hàng được quyền bán đấu giá và thu hồi nợ. Vậy nên ai cũng có thể mua, chỉ cần có tiền. Hay nói cách khác, việc bán đấu giá tài sản thế chấp có đầy đủ giấy tờ pháp lý, không vướng tranh chấp luôn dễ tìm người mua hơn so với việc rao bán một khoản nợ.