Ngày khai trường đơn giản mà trang trọng

Khi HS đã đông đủ, đúng 7 giờ 20, chương trình chính thức bắt đầu. Có lẽ ấn tượng nhất với những ai có mặt tại đây chính là lễ đón 375 HS lớp 1. Tay cầm hoa giơ cao, các em lần lượt được các cô giáo và anh chị lớp trên dắt tay theo hàng lối vào chỗ ngồi ngay ngắn trong tràng pháo tay của toàn trường. Trên sân khấu vang lên bài hát truyền thống của trường, rồi đại diện các lớp 1 lên tặng hoa cho các cô giáo chủ nhiệm của mình với những nụ cười và sự ngơ ngác thật thân thương. Phần lễ đón HS lớp 1 đã diễn ra thật gọn ghẽ nhưng cảm động.

Tiếp đó, cả trường làm lễ chào cờ, hát quốc ca, nghe đọc thư của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, rồi hiệu trưởng đọc diễn văn khai giảng và đánh trống bắt đầu một năm học mới. Chỉ hơn 8 giờ, lễ khai giảng đã kết thúc và bắt đầu chuỗi những hoạt động vui chơi ngay tại sân trường cho các em. 

Không nặng hình thức hay những phát biểu dài lê thê đã khiến lễ khai giảng thực sự là của HS. Thời gian còn lại, các em được thỏa thích reo hò với những tiết mục văn nghệ, những trò chơi dân gian, thoải mái ăn uống tại các gian hàng ẩm thực hoặc bày vẽ nặn gốm tại khu làng nghề truyền thống…

Tương tự, nhiều trường học ở TP.HCM cũng có ngày khai trường đơn giản mà trang trọng như thế.

Thực ra cách làm này xuất phát từ chỉ đạo của Bộ GD&ĐT từ năm học trước và tiếp tục duy trì trên cả nước để làm sao khai giảng phải thực sự lấy HS làm trung tâm. Tại TP.HCM, hai năm nay Sở GD&ĐT TP cũng đã chỉ đạo quyết liệt để không tái diễn những lễ khai giảng rườm rà và hình thức. Theo đó, lễ khai giảng phải có cả phần lễ và phần hội, trang trọng nhưng đơn giản và ý nghĩa, nêu bật được phương hướng phấn đấu của nhà trường trong năm học mới. Làm sao để tạo không khí phấn khởi cho HS, để ngày khai trường là một ngày trọng đại và thiêng liêng đối với tất cả HS, nhất là những HS đầu cấp.

Ngoài điểm mới tích cực đó, năm học 2016-2017 còn được xem là một năm hứa hẹn với nhiều đổi mới đột phá của ngành giáo dục TP. Nhiều chủ trương được đề ra, tạo được quan tâm, kỳ vọng rất lớn từ xã hội, như chấm dứt dạy thêm học thêm, xây dựng trường lớp, tự biên soạn sách giáo khoa… Tất cả chủ trương ấy đều nhằm mục đích giảm áp lực học tập cho HS, nâng cao chất lượng dạy và học. Và chủ trương đó sẽ thực sự hiệu quả nếu nó được thực hiện trên một tinh thần quyết liệt, đồng bộ từ cấp quản lý đến cơ sở. Bởi không ai khác mà chính con em của chúng ta là người thụ hưởng thực sự của những thành quả đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm