Nghe lén hàng loạt điện thoại: Tội gì?

Theo Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM), qua thông tin trên báo chí, ông cho rằng hành vi của người đứng đầu Công ty Việt Hồng (luật không xử lý hình sự với pháp nhân) có dấu hiệu của hai tội.

Tùy tình tiết mà xác định tội

Trước hết là tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác theo Điều 125 BLHS. Tuy nhiên, điều kiện để xử lý hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác là người vi phạm phải từng bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Do đó nếu người vi phạm chưa từng bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính thì không thể khởi tố họ về tội này được.

Vậy trong trường hợp trên thì có thể xử lý tội nào khác? Theo Thẩm phán Hùng, nếu chứng minh được trong các thuê bao điện thoại bị theo dõi có thuê bao của lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoặc những thông tin bị nghe lén, phát tán thuộc loại bí mật nhà nước thì có thể xử lý người vi phạm về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS.

Trong khi đó, luật sư Lưu Văn Tám (Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) lại cho rằng có thể xem xét xử lý người vi phạm về tội kinh doanh trái phép theo Điều 159 BLHS.

Theo luật sư Tám, Công ty Việt Hồng có thể được cấp phép kinh doanh một số mặt hàng trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng chắc chắn sẽ không có cơ quan quản lý nào cho phép họ tạo ra, kinh doanh phần mềm độc hại Ptracker này. Do đó, hành vi tạo ra và kinh doanh phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng thuộc trường hợp kinh doanh không đúng nội dung đã đăng ký. Bên cạnh đó, việc kinh doanh nhằm mục đích thu lợi nhuận, xâm phạm đến hơn 14.000 thuê bao điện thoại, thu lợi bất chính tới 900 triệu đồng nên đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội kinh doanh trái phép.

Còn luật sư Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) lại nhận xét hành vi truy cập bất hợp pháp, chiếm quyền điều khiển điện thoại thông minh của người khác có dấu hiệu cấu thành tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác theo Điều 226a BLHS. Trường hợp này có các tình tiết tăng nặng định khung là “có tổ chức”, “thu lợi bất chính lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng” với hình phạt từ ba năm đến bảy năm tù.

Muốn được bồi thường, phải chứng minh thiệt hại

Bên cạnh việc xử lý hình sự thì một vấn đề khác cũng cần đặt ra là trách nhiệm dân sự của người vi phạm đối với chủ của hơn 14.000 thuê bao điện thoại bị chiếm quyền điều khiển.

Theo luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận), tùy vào tội danh của người vi phạm mà chủ các thuê bao này sẽ được xác định là người bị hại (như trong tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác) hay người liên quan (như trong tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước hay tội kinh doanh trái phép).

Lúc này việc bồi thường thiệt hại cho chủ các thuê bao điện thoại bị chiếm quyền điều khiển được đặt ra nếu thiệt hại đó có xảy ra trên thực tế và được chứng minh có quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm. Chẳng hạn vì bị nghe lén điện thoại mà các giao dịch mua bán, ngân hàng, tài chính… của chủ thuê bao điện thoại đã gặp thiệt hại (phải có chứng cứ chứng minh).

Bên cạnh đó, việc bị nghe lén, phát tán thông tin có thể làm chủ thuê bao điện thoại bị lộ những chuyện riêng tư, nhạy cảm, có thể dẫn đến hậu quả là gia đình tan vỡ, vợ chồng ly hôn… làm chủ thuê bao điện thoại mất sức khỏe, bị stress... Chủ thuê bao điện thoại có quyền yêu cầu người vi phạm phải bồi thường tổn thất về tinh thần. Theo luật, mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Đặc biệt, luật sư Thiện nhấn mạnh trong trường hợp cơ quan chức năng không xử lý hình sự người vi phạm, các chủ thuê bao điện thoại bị chiếm quyền điều khiển có quyền khởi kiện người vi phạm yêu cầu bồi thường nhưng quan trọng nhất vẫn là phải chứng minh được thiệt hại đã xảy ra.

THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm