Mất tích không tìm thấy xác
Trong khi phiên xử bà Lê Thị Hường chém vợ chồng chủ nợ (bà Hường là vợ nguyên bí thư xã Kim Long, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) đang diễn ra thì nghi án giết người đốt xác với nghi can chính cũng là bà Hường vẫn chưa thể khép lại. Hiện cơ quan tố tụng đã phải tách vụ này ra để tiếp tục điều tra. Đây cũng là một nghi án gây rúng động dư luận liên quan đến người phụ nữ máu lạnh này.
Tính đến nay, bà Dương Thị Thủy Bình Hà (thủ quỹ, xã Kim Long) đã mất tích được hai năm. Trong suốt thời gian này, cơ quan điều tra không đưa ra được một thông tin chính thức nào về tung tích của bà Hà.
Người cuối cùng gặp gỡ bà Hà được cho là bà Lê Thị Hường. Đó là ngày 14-5-2012. Trước khi ra khỏi nhà, bà Hà nói với con trai là anh Nguyễn Hải Sơn, hôm nay bà sẽ gặp bà Hường để nhận tiền trả nợ và sẽ dùng món tiền này để đóng học cho anh Sơn. Thế nhưng, đó là lần cuối cùng người nhà được trông thấy bà.
Con trai bà Dương Thị Thủy Bình Hà theo dõi phiên tòa xét xử bà Hường. Anh Sơn cho hay đã liên lạc nhiều lần với Cơ quan Cảnh sát Điều tra để hỏi về vụ án của mẹ mình nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Ảnh: KL
Chỉ đốt xác chứ không giết người?
Theo lời kể của nhiều nhân chứng, bà Hà có quan hệ khá thân thiết với gia đình bà Hường và có cho bà Hường vay số tiền 200 triệu đồng. Vì vậy, dư luận xung quanh đã đặt nghi vấn bà Hường giết bà Hà để quỵt nợ.
Bà Lê Thị Hường, nghi can chính trong ghi án giết và đốt xác, tại phiên tòa sáng 6-3 xử bà về một trọng tội khác. Ảnh: KL
Ngày 21-1-2013, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khai quật khu vườn nhà bà Hường để tìm chứng cứ. Sau đó, công an đã tìm được nhiều mảnh xương cụt, xương cổ, hai chiếc răng, một khúc xương chậu và một nhóm xương bàn tay. Số xương này đã được chuyển cho Viện Khoa học kỹ thuật hình sự giám định.
Tại cơ quan điều tra, bà Hường khăng khăng phủ nhận hành vi sát nhân. Bà tường trình hôm đó đã nhờ bà Hà sửa giúp máy bơm, không ngờ bà Hà bất cẩn bị điện giật chết. Lo sợ bị nghi ngờ nên bà Hường quyết định thủ tiêu luôn cái xác. Nhân lúc nhà không có người, bà lôi xác bà Hà ra vườn đốt. Phải đốt liên tục hai ngày cái xác mới bị tiêu hủy hoàn toàn.
Đáng sợ hơn, để xóa mọi dấu vết, bà Hương đem tro và xương rải khắp khu vườn. Để đánh lạc hướng về sự mất tích bất thường của bà Hà, bà Hường còn mua một sim rác để nhắn tin cho con trai bà Hà căn dặn rằng sẽ vắng nhà một thời gian.
Về sau, trong quá trình thẩm tra, ông Võ Thanh Mỹ, chồng bà Hường, khẳng định đó chỉ là xương động vật chứ không tin vợ mình đã giết người. Tuy nhiên, kết luận giám định của cơ quan chức năng khẳng định những mẩu xương thu được trong vườn nhà bà Hường đúng là xương người nhưng do đã bị đốt trụi nên không thể xác định được cấu trúc xương để xác định xương đó là của bà Hà. Hiện Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tích cực tiếp tục điều tra để làm rõ nghi án này.
Thêm một vụ “Cát Tường” thứ hai?
Nhiều người cho rằng trong nghi án “giết người đốt xác” này có nhiều tình tiết tương tự như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường. Đó là việc nạn nhân mất tích không tìm thấy xác, người gặp cuối cùng là nghi phạm nhưng nghi phạm khai nạn nhân đã chết trước khi nghi phạm ra tay…
Có nhiều câu hỏi đặt ra ở đây. Thứ nhất, nếu không xác định được cấu trúc xương thì làm sao xác định được đó chính là bà Hà và bà Hà đã chết? Trong trường hợp này thì chỉ lời khai nhận của bà Hường có được xem là chứng cứ để kết luận đó là thi thể còn lại của bà Hà hay không?
Theo luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên BCH Liên đoàn Luật sư Việt Nam), căn cứ vào lời khai (phù hợp với các chứng cứ khác) của bà Hường vẫn có thể kết luận được người đã chết chính là bà Hà. Bởi trong bối cảnh vụ án mù mờ về chứng cứ thì phải đánh giá tính logic của các tình tiết liên quan. Mô tả về quá trình và những hành vi đốt xác của bà Hường phù hợp với hiện trường và vật chứng tìm thấy được là những khúc xương trong vườn, tạo ra sự thống nhất trong lời khai. Một người không thực hiện hành vi thì sẽ không hể thống nhất lời khai từ đầu đến cuối dù trình độ “cuội” rất cao. Ngoài ra về niềm tin nội tâm, xét bản chất và thủ đoạn của bà Hường thì phù hợp với thực tế khách quan.
Thứ hai, trường hợp xác định được đó chính là nạn nhân thì bà Hường có thể bị khép vào tội gì? Bà Hường chỉ khai nhận là đốt xác bà Hà phi tang chứ không khai nhận giết người (bà Hường nói nạn nhân bị điện giật chết).
Bình luận vấn đề này, Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng lúc này bà Hường chắc chắn sẽ phải chịu trách nhiệm về tội xâm phạm thi thể người khác. Tuy nhiên, rất khó chứng minh được cái chết của bà Hà là do bà Hường hay người khác gây ra hoặc vì yếu tố khách quan khác vì hầu như không có chứng cứ nào chắc chắn.
Luật sư Tám cũng cho rằng mấu chốt để gỡ được vụ án này là phải trưng cầu giám định lại ở một tổ chức giám định khác ngoài nơi đã làm. “Hiện công an đã tìm được nhiều mảnh xương thì không lý gì không xác định được ADN. Trong khi nếu làm tốt thì giám định tro người ta còn biết được ADN. Cần thiết có thể khai quật lại vườn để tìm thêm mảnh xương khác, không thể để bỏ lửng vụ án với nhiều dấu hỏi như thế”- luật sư Tám nói.
Xương hóa than thì rất khó truy ADN Giám định gen (AND) đòi hỏi phải có những mẫu vật như lông, tóc, máu, tinh dịch, nước bọt, xương, răng… Trong đó nếu có mẫu vật là răng thì chắc chắn nhất. Tuy nhiên, trong vụ án này, do các mẫu xương và răng đã bị đốt cháy, bị than hóa, nên với kỹ thuật hiện nay, cả ở Việt Nam cũng như trên thế giới, đều không còn có thể truy nguyên được nữa. Cũng cần lưu ý, kết quả giám định mẫu xương chỉ là một trong những căn cứ để xác định xác nạn nhân. Trong vụ án còn có các tình tiết, chứng cứ khác như lời khai của nghi phạm, các cuộc điện thoại, tin nhắn… Trên cơ sở xem xét tổng thể các chứng cứ đó mà cơ quan điều tra có thể ra kết luận. Cũng tương tự như trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, dù không tìm thấy xác nạn nhân nhưng dựa trên các chứng cứ khác, cơ quan điều tra vẫn xác định được nạn nhân đã chết để từ đó truy cứu những người liên quan với các tội danh tương ứng. Một Giám định viên tư pháp của phân viện Khoa học hình sự phía Nam TRUNG DUNG ghi |
PV-THANH TÙNG