Nghi phạm đánh bom Boston viết câu trả lời

Nghi phạm đánh bom Boston viết câu trả lời ảnh 1
Dzhokhar Tsarnaev, tức Nghi phạm Hai của vụ đánh bom khủng bố giải chạy marathon Boston làm ba người chết và hơn 170 người bị thương. Ảnh: Twitpic
ABC News dẫn lời các nguồn tin hành pháp hôm qua cho biết Dzhokhar Tsarnaev vừa hồi tỉnh và đang trả lời các câu hỏi một cách rời rạc bằng cách viết. Nghi phạm 19 tuổi vẫn ở trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định, theo tuyên bố của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI), viện dẫn lời Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess. Dzhokhar bị thương ở cổ và vùng họng nên gặp khó khăn khi nói chuyện. Theo ABC News, y rõ ràng đã biết chuyện anh trai chết. Các cáo buộc chống lại Dzhokhar nhiều khả năng sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Một cuộc họp báo dự kiến được tổ chức hôm qua để thông báo về các cáo buộc, nhưng sau đó nó bị hoãn mà không rõ nguyên nhân. Dzhokhar có thể phải đối mặt với những cáo buộc ở cấp bang và liên bang. Nhiều người tin rằng các cáo buộc sẽ cho phép chính phủ liên bang theo đuổi án tử hình. Bang Massachusetts không có án tử hình. FBI bỏ sót cảnh báo về nghi phạm

NBC News
đưa tin, Tamerlan Tsarnaev từng 6 lần tới thăm một chiến binh Hồi giáo tại một nhà thờ ở nước cộng hòa Dagestan thuộc Nga. Các chuyến thăm diễn ra trong thời điểm Tamerlan về thành phố Makhachkala thăm gia đình.

Theo lời cảnh sát địa phương, hồ sơ của Tamerlan được chuyển cho FBI cùng với yêu cầu thẩm vấn thêm. Tuy nhiên, FBI không có hồi đáp.

Cơ quan này thừa nhận từng thẩm vấn Tamerlan vào năm 2011, sau khi phía Nga cảnh báo tên này đang có dấu hiệu trở thành một phần tử Hồi giáo quá khích, tuy nhiên không tìm thấy hành động trái phép nào của người này và không tiếp tục theo đuổi vụ việc.

Nghi phạm đánh bom Boston viết câu trả lời ảnh 2
Tamerlan Tsanaev từng nằm trong tầm ngắm của nhiều cơ quan an ninh nhưng lại bị bỏ qua. Ảnh: AFP


Channel 4 News
phỏng vấn cha của nghi phạm và cho biết Tamerlan đã gọi điện về nhà sau vụ đánh bom. Tên này nói với mẹ rằng FBI đã yêu cầu y nhận trách nhiệm về vụ việc, nhưng y đáp lại rằng: "Đó là việc của các ông".

FBI từ chối bình luận về các thông tin mà cơ quan an ninh Nga cũng như các kênh truyền thông đưa ra. Tuy nhiên, nếu được xác nhận, thì các thông tin này sẽ làm tăng những chỉ trích nhằm vào FBI sau khi một số nghị sĩ quốc hội đã lên tiếng phê phán cơ quan anfy liên tục "mắc sơ suất" trong vụ việc.

Michael McCaul, chủ tịch Hội đồng An ninh Nội địa của Hạ viện Mỹ, cho rằng FBI phải giải thích vì sao không tiếp tục theo dõi Tsarnaev sau năm 2011, sau khi y về thăm gia đình ở Dagestan, nơi được cho là trung tâm đào tạo và huấn luyện các chiến binh Hồi giáo.

"Liệu có phải hắn nằm trong vùng theo dõi và họ để cho hắn đi, liệu hắn có nằm trong tầm ngắm của cơ quan an ninh Nga không, tại sao không lưu ý đến hắn", ông McCaul đặt câu hỏi với CNN và nói thêm rằng có những dấu hiệu rõ ràng rằng Tamerlan có những hành động cực đoan trong chuyến đi của mình.

"Một trong những việc đầu tiên hắn làm sau khi trở về là đăng tải đoạn video lên Youtube, đưa ra rất nhiều tuyên bố thánh chiến. Rõ ràng là đã có điều gì đó xảy ra, theo suy nghĩ của tôi thì thời gian 6 tháng, hắn đã có những hành động cực đoan. Câu hỏi là những việc đó diễn ra như thế nào", ông nói.

Một dấu hiệu khác là hồ sơ của Tamerlan từng nằm trong bộ máy của cơ quan an ninh Mỹ, trong khi việc xin nhập tịch của y từng được Cục An ninh Nội địa yêu cầu tạm dừng sau khi phát hiện ra việc y từng bị FBI quan tâm, New York Times cho hay.

FBI cũng không giải thích về lý do tại sao không lật lại hồ sơ của Tamerlan ngay sau khi vụ nổ xảy ra bởi trong những vụ việc như thế này, FBI thường kiểm tra những cá nhân có liên quan đến các nhóm chiến binh Hồi giáo.

Đến ba ngày sau đó, sau khi FBI chính thức công bố hình ảnh camera giám sát ghi lại được hình ảnh của các nghi phạm, họ cũng không khớp nối được thông tin rằng người đàn ông trong ảnh cũng có trong hồ sơ.

"Một hoặc hai cơ hội đã bị bỏ qua. Hoặc là FBI đã bỏ lỡ nhiều đầu mối, hoặc là hệ thống luật pháp của chúng ta không cho phép FBI theo dõi theo cách đó", thượng nghị sĩ Lindsey Graham nói với CNN và cảnh báo rằng FBI cần nâng cao năng lực.

"Với những phần tử như thế này mà FBI lại không muốn cho vào tầm ngắm thì đó quả thật là sai lầm. Hoặc là luật pháp của chúng ta chưa đầy đủ, hoặc là FBI đã mắc sai sót, nhưng chúng ta đang ở trong cuộc chiến với những phần tử Hồi giáo cực đoan và chúng ta cần phải nâng cao khả năng của chúng ta", ông nói thêm.

Một nghị sĩ Cộng hòa khác, Peter King, chủ tịch Tiểu ban Chống khủng bố và Tình báo của Hạ viện, lại trực tiếp chỉ trích FBI vì thất bại trong việc theo dõi các đe dọa khủng bố.

"Đây ít nhất là vụ thứ 5 mà tôi e rằng FBI đã thất bại trong việc ngăn chặn tội phạm", ông King nói với Fox News. Ông nhắc đến những vụ việc trước đó gồm Anwar al-Awlaki, kẻ âm mưu tấn công khủng bố, thành viên al-Qaeda và Nidal Malik Hasan, kẻ gây ra vụ cháy ở Fort Hood, Texas, năm 2009, làm 13 người chết.

"Đây là sự việc mới nhất trong số những sự việc tương tự khi FBI được cung cấp thông tin về một đối tượng khủng bố khả nghi nhưng họ không chú ý đến và họ không hành động, khiến những kẻ tội phạm tiến tới và gây tội ác", thượng nghị sĩ King nói.

Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm