Cách đây ba năm có dịp qua Cali, cả Nam và Bắc, tôi chủ ý thăm thú, quan sát các kệ hàng bày bán nước mắm trong các siêu thị, các chợ thực phẩm của người Việt, người Hoa bên đó. Có đến 2, 3 chục nhãn hàng nước mắm cá cơm Phú Quốc, Phan Thiết… nhưng đa phần made in Thailand. Có 1 nhãn nước mắm cá cơm Phú Quốc nhưng sang chiết (hay pha chế), đóng chai ở Cali…
Người Thái và cả ông Việt kiều nào đó quá nhạy để có thể gần như ôm trọn thị phần những người có thói quen dùng, ưa dùng nước mắm trên đất Mỹ.
Nước mắm Phú Quốc, Phan Thiết bày bán trong siêu thị, các chợ thực phẩm của người Việt, người Hoa ở Cali (Mỹ) đa phần sản xuất từ Thái Lan. Ảnh: THÁI BẢO
Tôi có quen dì Ba ở Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận). Thi thoảng dì gửi cho mấy chai nước mắm nhà làm đựng trong chai PET. Thơm lừng, mặn mòi… Và vì nó mặn nên không dám ăn nhiều. Thế là có lúc mấy chai còn tồn chuyển sang màu đen xỉn. Ăn thì cũng sợ sợ nhưng mà bỏ thỉ uổng phí, nhất là phụ lòng dì Ba! Tất nhiên loại này làm gì có ghi date!
Rồi nhớ lâu lắm rồi, nước mắm đựng trong cái tĩnh sành, đậy bằng nắp dũm, hàn xi măng cho kín, xách bằng dây lá khô đan rất khéo. Vị giữ được rất lâu. Thơm ngon ngào ngạt. Ai cũng bảo nước mắm loại này ngon gấp ngàn lần cái thứ nước muối pha đựng trong can nhựa 2 lít, 5 lít, 20 lít… (Trước 1975 cũng có thứ nước pha muối cộng với phẩm màu gọi là nước mắm rồi!).
Nói lòng vòng, bâng quơ để nói rằng tôi đọc thấy tổng doanh thu “nước mắm của mình” lên đến 4,5 tỉ USD. Của mình hàm ý là của Việt Nam, đó là hiển nhiên nhưng giờ thì đau xót mà nhìn nhận không phải tất cả là của mình nữa rồi!
Bài toán sắp tới sẽ là gì?
Nếu sản xuất nhỏ tự cung tự cấp như dì Ba thương mến của tôi thì rồi sẽ úp lu, chuyển nghề là cái chắc!
Kệ bày bán nước mắm Phú Quốc, Việt Hương... made in Thailand trong siêu thị ở Cali. Ảnh: THÁI BẢO.
Còn nếu đi theo hướng mạo danh, cứ gọi là nước mắm mà không hề có mắm, thay thế bằng hương cốt tinh, chất tạo màu, tạo vị gì đó… thì có ngày, không phải người tiêu dùng trong nước mà cả người tiêu dùng ở các nước sẽ tẩy chay.
Đó là loại gian manh, trí trá, pha nước muối với phẩm màu, hương cốt tinh cá cơm, cá này nọ kèm các loại chất điều vị, bảo quản,… thì nhất quyết phải yêu cầu ghi rõ: “Đây là nước chấm hương nước mắm…”.
Ở góc độ người mê nước mắm, xài nước mắm nhiều chục năm qua, tôi nghĩ nước mắm truyền thống theo dạng nguyên chất (chỉ làm từ cá và muối) cũng phải hội nhập để không bị bỏ quên trong góc bếp.
Có thể mở hướng nước mắm nguyên liệu (cá và muối ủ chượp) phải đạt tỷ lệ bao nhiêu đó thì được xưng danh là nước mắm (có thể thêm đường, thêm màu, thêm vị trong chừng mực cho phép và ghi rõ trên nhãn). Tôi nghĩ người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận với điều kiện thông tin sản phẩm rõ ràng, minh bạch. Họ sẽ cân nhắc giữa chất lượng và túi tiền!
Câu chuyện cuối cùng cũng quay về phía các cơ quan quản lý. Vai trò trọng tài, bà đỡ, đòi hỏi họ phải thấu hiểu và khách quan, minh bạch. Nếu vì tác động của ai đó trong cuộc chiến thị phần mà làm tổn hại, dẫn đến triệt hạ, triệt tiêu đến một thứ quốc bảo như nước mắm của Việt Nam ta thì mọi sự chắc khỏi phải bàn!