Nghĩ về dư luận “chạy án”

Kỷ lục về thời gian nói lời sau cùng thì đã rõ, song cách gửi gắm công khai “không chạy án” như thế cũng thật đáng ngẫm. Lại thêm một “nhấn nhá” kiểu bầu Kiên để khẳng định bản thân không có tội nào trong số bốn tội đã bị truy tố (dẫu chắc gì bầu Kiên đã chính xác và tội hay không thì để tòa tuyên xử)? Hay “chạy án” đang là chuyện rất đỗi bình thường nên nếu không được lưu ý thì có thể người nhà bị cáo làm thiệt?

Luật tố tụng hình sự luôn đề ra nguyên tắc “tôn trọng sự thật của vụ án”, “xử lý công minh”, “đúng người, đúng tội”… Luật hình sự cũng có quy định tội ra bản án trái pháp luật dành cho các thẩm phán sai phạm nhưng trước giờ không có nhiều người bị xử tội này. Trong khi đó có rất nhiều bản án sai không tưởng tượng nổi mà dù những người liên can hoặc im lặng không giải thích, hoặc thanh minh “do nhận thức pháp luật có hạn chế”, “do non kém nghiệp vụ” thì những người am hiểu vẫn không thể nào chấp nhận được và như cách nói của dư luận “ngửi là
thấy mùi”!

Đối với bị can, bị cáo và thân nhân của họ, tâm lý “chạy án” là có. “Chạy” đủ kiểu, đơn giản thì “tội nặng thành tội nhẹ”, “tù giam thành tù treo”, phức tạp hơn thì “có tội thành vô tội”. Trong án dân sự cũng lắm đường “chạy”, “đổi trắng thay đen” đã đành mà ngay cả đúng cũng “chạy” để có thể yên tâm là được xử thắng kiện (!). Một sự thật rất “đau” nhưng tiếc là chưa bao giờ được những người có trách nhiệm mổ xẻ, xử lý đến nơi đến chốn để gột rửa.

Khi mong muốn và cách hành xử sai trái nói trên được những người có quyền (và cũng muốn có nhiều tiền, bất kể là tiền đó không “sạch”!) cố ý vận dụng các quy định của pháp luật hãy còn chưa hoàn chỉnh, thậm chí còn làm sai lệch chứng cứ để cho ra những kết quả không chân thật miễn sao vừa ý hai bên thì “chạy án” dần trở nên phổ biến. Dù không dễ kiểm chứng, chứng minh (trừ những vụ vì lý do nào đó mà một trong hai bên chủ động “xì” thông tin ra) nhưng ai nấy đều tin chuyện này đã, đang và sẽ xảy ra với mức độ tùy chỗ, tùy nơi.

Mới đây, một phó chánh án TAND tỉnh đã bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị TAND Tối cao kỷ luật bằng hình thức cách chức. Lý do đưa ra là khi xét xử một số vụ án, ông đã chủ quan đánh giá chứng cứ một cách phiến diện, thiếu khách quan, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Từ chỗ áp dụng pháp luật không chính xác, ông đã xét xử và tuyên một số bản án không đúng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ông còn tham mưu cho chánh án giải quyết cho một bị cáo tại ngoại sai luật… Một loạt vi phạm mà dư luận gọi ngay là “chạy án”, nhận ra ngay là có dấu hiệu của tội ra bản án trái pháp luật hoặc nếu cất công điều tra thì có thể là tội nhận hối lộ nhưng nhiều người trong ngành tố tụng đã phủ nhận. Để rồi đương sự chỉ bị kỷ luật hành chính và chưa thấy địa phương đề cập gì đến trách nhiệm hình sự. Nếu cứ tiếp tục tránh né một thực tế phi pháp luật, làm sao ngành có thể rốt ráo xoay chuyển để khôi phục niềm tin công lý trong số đông?

Nhiều tờ báo nhận xét bầu Kiên đứng trước vành móng ngựa rất ngông… Nhưng chắc rằng những nhắc nhở khác người của bị cáo về việc “không xin xỏ”, “không chạy án” thì không thể nào không để lại suy nghĩ.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm