Niềm vui của các thành viên đoàn Việt Nam khi trúng cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối.

Ngoại giao thời biến động - Bài cuối: Việt Nam chọn chính nghĩa, không chọn phe

(PLO)- Khi các cường quốc mâu thuẫn ngày càng tăng, Việt Nam phải kiên định đường lối ngoại giao chọn lập trường chính nghĩa, không chọn bên, để không bị rơi vào cuộc đối đầu chiến lược do các nước lớn tạo ra.

Việc xảy ra cùng lúc nhiều cuộc đối đầu lớn giữa các cường quốc hiện nay trên thế giới đã đặt ra cho Việt Nam (VN) câu hỏi: Phải hành xử thế nào để đảm bảo lợi ích cốt lõi của quốc gia?

TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore, cho rằng phải kiên định, không để bị cuốn vào cuộc đụng độ địa chính trị giữa các cường quốc.

TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore
TS Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute) tại Singapore

Làm ngoại giao đang khó khăn hơn

. Phóng viên: Thế giới đang chứng kiến những cuộc đối đầu giữa các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc (TQ), khối châu Âu và nhiều xung đột rải rác ở khắp nơi. Trong đó, hầu hết là những đối tác quan trọng của VN. Việc này đặt ra những thách thức gì đối với ngoại giao của VN?

+ TS Lê Hồng Hiệp: Việc phải xử lý quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt không phải là điều quá mới mẻ đối với các nhà ngoại giao VN. Ví dụ, giai đoạn Chiến tranh lạnh cũng chứng kiến tình thế tương tự, VN lúc đó đã phải tìm cách ứng xử khi thế giới phân cực mạnh, một bên do Mỹ đứng đầu và bên còn lại do Liên Xô lãnh đạo. Không những thế, VN còn phải đối phó với những mâu thuẫn trong nội khối XHCN, cụ thể là giữa Liên Xô và TQ…

Tuy nhiên, việc đối diện với mâu thuẫn nước lớn ở thời điểm hiện tại, theo tôi sẽ khó khăn hơn nhiều do tình thế hiện đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, ở giai đoạn Chiến tranh lạnh, quan hệ giữa VN và các nước còn hạn chế, chủ yếu giới hạn trong khối XHCN. Các ràng buộc về lợi ích an ninh, kinh tế, văn hóa… nhìn chung lúc đó còn rất ít. Còn hiện nay, VN quan hệ với tất cả nước lớn và họ đều là những đối tác hàng đầu của chúng ta trên mọi lĩnh vực. Vì vậy, khi những nước này mâu thuẫn, cạnh tranh hay thậm chí đối đầu, áp lực với ngành ngoại giao của VN là rất lớn vì các nước sẽ xem xét kỹ cách hành xử của VN, từ đó họ sẽ có những phương án đối ngoại ảnh hưởng đến lợi ích của VN.

Thách thức lớn nhất đối với người làm ngoại giao VN là câu hỏi: Chúng ta cần hành xử như thế nào để “không phật lòng tất cả các bên”, không bị lôi kéo vào xung đột địa chính trị, đảm bảo duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả nước lớn, qua đó đảm bảo lợi ích kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển bền vững? Câu hỏi này muốn trả lời sẽ phải cần đến nhiều yếu tố như đường lối, sách lược phù hợp; sự tinh tế, khéo léo trong kỹ năng ngoại giao và sự kiên định trong thực hiện hoạt động đối ngoại.

Thách thức lớn nhất đối với người làm ngoại giao Việt Nam là cần hành xử thế nào để “không phật lòng tất cả các bên” để đảm bảo các lợi ích cũng như sự phát triển bền vững.

Niềm vui của các thành viên đoàn Việt Nam khi trúng cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: NHÓM PV TTXVN tại New York, Mỹ
Niềm vui của các thành viên đoàn Việt Nam khi trúng cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu gần như tuyệt đối. Ảnh: NHÓM PV TTXVN tại New York, Mỹ

Áp lực sẽ không ngừng lại

. Sách trắng quốc phòng VN có đề cập “bốn không và một tùy”, đầu tháng 8-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại VN sẽ tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng này cùng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa. Trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng, việc thực hiện các chính sách trên sẽ gặp khó khăn gì?

+ Chính sách “bốn không” được xem là “kim chỉ nam” cho chính sách quốc phòng và hoạt động đối ngoại của VN, xác định rõ rằng VN là một quốc gia theo đuổi đường lối ngoại giao và quốc phòng độc lập, tự chủ và sẽ tiếp tục duy trì đường lối này, đặc biệt là trong quan hệ với các nước lớn.

Khi cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng gia tăng, thách thức để thực hiện thành công chiến lược này cũng ngày càng nhiều. Bởi lẽ các nước lớn sẽ tìm cách ảnh hưởng, lôi kéo, thậm chí là đe dọa các nước khác đứng về phe mình và VN sẽ không thể đứng ngoài thực tế này.

Lịch sử quan hệ quốc tế đã chỉ ra vô số ví dụ về việc các nước nhỏ hơn bị bủa vây bởi “cây gậy” (sự đe dọa, trừng phạt) và “củ cà rốt” (sự tưởng thưởng, ban cho) do các nước lớn tung ra. Đôi khi nhận “cà rốt” của nước này lại bị “ăn gậy” bởi nước khác. Sự chọn lựa là rất khó bởi khoảng cách giữa lợi ích và rủi ro thường rất mờ nhạt, chông chênh. Đó chính là thách thức đòi hỏi những người làm ngoại giao phải tỉnh táo, bản lĩnh.

Tuy nhiên, theo quan sát cá nhân tôi thì đến hiện tại, VN vẫn đang thành công trong việc duy trì chính sách “bốn không” cùng đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa dù áp lực từ mâu thuẫn nước lớn ngày càng cao. Dù vậy, tôi cho rằng áp lực sẽ không ngừng lại, bối cảnh thế giới cho thấy khó khăn sẽ có xu hướng gia tăng trong thời gian tới buộc VN phải có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng.

Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với tất cả các quốc gia, chỉ chọn chính nghĩa chứ không chọn bên. Trong ảnh: Đại sứ Đặng Hoàng Giang (trái), Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: VNA
Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với tất cả các quốc gia, chỉ chọn chính nghĩa chứ không chọn bên. Trong ảnh: Đại sứ Đặng Hoàng Giang (trái), Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: VNA

Cách tiếp cận hợp lý của Việt Nam

. Khi các nước lớn không thể kéo giảm mâu thuẫn và thực tế đã có nơi chiến tranh xảy ra, dư luận thời gian qua xảy ra cuộc tranh luận: Phải chăng cũng đến lúc nước nào cũng phải “chọn phe” chứ không thể đứng ngoài “vòng xoáy” nước lớn?

+ Đã có một số học giả, nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề đó, đồng thời đưa ra câu hỏi mở: Nếu VN kiên định không chọn “phe” nào (tức không đứng về phía nước nào) thì chúng ta chọn đứng ở đâu? Tôi đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS), trước thềm Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ vào giữa năm ngoái: Trong một thế giới diễn ra nhiều biến động, xuất hiện sự cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, VN không chọn bên mà chọn chính nghĩa.

Trên báo chí, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng nói về lập trường “không chọn bên, chọn chính nghĩa” khi được hỏi về vấn đề Ukraine. “Chọn chính nghĩa” không chỉ là một cách nói hợp lý mà còn là một cách tiếp cận phù hợp, không chỉ với vấn đề Mỹ - TQ hay Ukraine mà còn với tất cả vấn đề khác. Chính nghĩa hiểu nôm na là công bằng, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi dựa trên sự thượng tôn pháp luật. Đây là các giá trị mà các nước cùng đề cao, cùng theo đuổi.

VN ủng hộ Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ), Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và rất nhiều thể chế quốc tế khác được công nhận toàn cầu, có mục tiêu thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển bền vững. Nói cách khác, VN không chọn “phe” hay “bên” nào mà chọn lập trường chính nghĩa, bất kể lập trường ấy được “phe” nào đưa ra và theo đuổi.

Lấy ví dụ, hiện Mỹ và TQ đang tiến hành cạnh tranh chiến lược, nước nào cũng muốn nâng cao vị thế và sức ảnh hưởng không chỉ ở châu Á-Thái Bình Dương mà còn ở phạm vi toàn cầu. Trước những mâu thuẫn, tranh chấp của họ, VN không chọn theo “bên” nào, thay vào đó chọn việc tiếp cận các cơ chế giải quyết xung đột bằng biện pháp đàm phán, hòa bình; đề cao vai trò của luật pháp quốc tế. Như vậy, việc không chọn “phe” mà chọn “lập trường” chính nghĩa sẽ tạo không gian thông thoáng và cởi mở hơn để VN thể hiện vai trò tích cực của một quốc gia tầm trung.

. Xin cảm ơn ông.

Nâng cao vai trò hòa giải mâu thuẫn, xung đột

Vài năm gần đây, vai trò và vị thế của VN trên trường quốc tế, đặc biệt trong các vấn đề hòa giải mâu thuẫn, xung đột ngày càng được thể hiện rõ rệt. hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên chọn VN làm điểm đến của thượng đỉnh song phương năm 2019 có lẽ là một ví dụ rõ nhất cho vai trò thúc đẩy hòa bình, giải quyết xung đột của VN.

Sự kiện

Một mặt, nguồn lực kinh tế, trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao và cả đội ngũ nhân lực ngày càng được cải thiện đã tạo ra “thế” và “lực” cho VN tốt hơn trước. Mặt khác, vai trò của VN tại các tổ chức quốc tế được phát huy bằng những thành quả cụ thể đã giúp cộng đồng quốc tế có cảm tình, tin tưởng VN nhiều hơn. Từ đó, các nước ủng hộ, tạo điều kiện để VN có thể đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế.

kinh nghiệm

Đơn cử, VN đã hai lần trúng cử vào vị trí thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Đáng chú ý là nhiệm kỳ gần nhất (2020-2021), VN góp phần cải tiến cách thức làm việc của Hội đồng Bảo an LHQ, thúc đẩy tăng cường thảo luận, đối thoại giữa năm thành viên thường trực (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, TQ), vốn có sự mâu thuẫn và đối đầu ngày càng tăng.

Hay như VN cũng đưa ra sáng kiến về nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh; cùng với Đức khởi xướng, đồng chủ trì vận động thành lập và tham gia điều phối Nhóm bạn bè UNCLOS. Đây đều là những sáng kiến được đánh giá tốt, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của VN.

TS LÊ HỒNG HIỆP

Đọc thêm