Sự ra đời của các thể chế, pháp luật quốc tế vẫn không thể xóa bỏ những mâu thuẫn, tranh chấp về chủ quyền. Suốt nhiều thập niên qua, theo Đại sứ-GS-TS Nguyễn Hồng Thao, ngoại giao Việt Nam (VN) đã góp phần giữ hòa bình và ổn định cho đất nước trong gần nửa thế kỷ (từ 1975 đến nay), tạo điều kiện cho đất nước phát triển kinh tế bền vững.
Ngoại giao VN đã hoàn thành xuất sắc Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tập trung giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ tạo điều kiện cho đổi mới, hội nhập quốc tế.
Những nỗ lực bảo vệ chủ quyền không mệt mỏi
. Phóng viên: Thưa đại sứ, suốt 78 năm qua kể từ ngày thành lập, đâu là những dấu ấn lớn của ngành ngoại giao VN trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền?
+ Đại sứ-GS-TS Nguyễn Hồng Thao: Trước hết cần phải nói đến Hiệp định Genève về lập lại hòa bình tại Đông Dương năm 1954. Sau đó là Hiệp định Paris năm 1973 tạo điều kiện thống nhất đất nước. Và tiếp đến là tham gia Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc (LHQ) về Luật Biển giai đoạn 1977-1982.
VN cũng là một trong những nước ký văn bản Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ngay vào ngày mở ký, tạo điều kiện mở rộng các vùng biển VN theo luật pháp quốc tế và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Với tuyên bố Chính phủ về các vùng biển VN năm 1977 và tham gia UNCLOS 1982, VN khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, các quyền tài phán quốc gia trên vùng biển rộng hơn hai lần đất liền và tham gia quản lý đại dương quốc tế. Đây được coi là bước “tiến ra biển” lớn nhất trong lịch sử dân tộc.
VN cũng đàm phán phân định biển trong vịnh Thái Lan (năm 1997), trong vịnh Bắc Bộ (năm 2000), giải quyết dứt điểm phân định thềm lục địa (năm 2003) đặc quyền kinh tế với Indonesia (năm 2022) và tiến hành khai thác chung với Malaysia (năm 1995), vùng nước lịch sử chung với Campuchia (năm 1982). VN cũng rất tích cực trong đàm phán DOC, COC liên quan đến Biển Đông.
VN cũng đàm phán hoạch định và hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới đất liền với Trung Quốc (1991-2009), với Lào (1977-2007) và 84% biên giới đất liền với Campuchia, góp phần định hình rõ cương vực đất nước sau 4.000 năm lịch sử.
Thắng lợi đến từ đâu?
. Những thành quả ấy của ngành ngoại giao đến từ những yếu tố nào, thưa đại sứ?
+ Ngành ngoại giao đã tận dụng được thời cơ, huy động sức mạnh từ quốc tế. Với tài thao lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 để phân hóa các đối thủ, tìm cách mở rộng quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc, làm bàn đạp mở rộng quan hệ với các nước khác, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế để giành thắng lợi ở Điện Biên Phủ và Genève vào năm 1954.
Đàm phán Paris kéo dài 14 năm “vừa đánh - vừa đàm” là sự kết hợp giữa nghệ thuật quân sự và nghệ thuật ngoại giao của VN, đưa chiến tranh VN vào lòng nước Mỹ cũng như thế giới.
VN đã tận dụng thời cơ, biến nguy thành cơ trong hoàn cảnh Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. Ngoại giao VN đã nhanh chóng chuyển hướng, phá thế bao vây cấm vận bằng thiết lập quan hệ với ASEAN. VN đã góp phần biến một tổ chức được lập ra trong nghi kỵ, đối đầu ở khu vực thành một tổ chức khu vực thành công, năng động, sáng tạo với tiềm năng kinh tế chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU).
Bình thường hóa quan hệ với ASEAN, Trung Quốc và Mỹ đã từng bước vô hiệu hóa thế bị bao vây, cấm vận, đồng thời triển khai quá trình gia nhập các tổ chức quốc tế quan trọng. Thành tựu này góp phần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và biển, bảo vệ tốt nhất các quyền của VN theo luật quốc tế.
Khi xảy ra những sự kiện đầy thách thức, điển hình như vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm chủ quyền của VN gần 10 năm trước hay các sự kiện tượng tự, VN đã nỗ lực tận dụng để tuyên truyền, vận động dư luận thế giới hiểu, ủng hộ đường lối đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của mình. Dư luận quốc tế đã tạo ra áp lực lớn, buộc tàu thuyền Trung Quốc phải chấm dứt các hoạt động phi pháp, đe dọa hòa bình, ổn định khu vực.
Ngoại giao bảo vệ chủ quyền Biển Đông
. Hiện nay, có thể nói vấn đề bảo vệ chủ quyền của VN trên biển Đông được công chúng trong nước và quốc tế quan tâm, theodõi nhiều nhất. Nhiệm vụ này đang đặt ra những thách thức như thế nào với bản lĩnh của những nhà làm ngoại giao?
+ Biển Đông tập trung lợi ích cạnh tranh chiến lược của hầu hết các nước lớn trên thế giới. Song Biển Đông cũng là khu vực dân số trẻ, năng động, khát khao vươn lên và khẳng định của các nước tập trung trong khối ASEAN. Biển Đông cũng là khu vực có nhiều tài nguyên quý hiếm và có vai trò quan trọng trong tương lai như băng cháy, đất hiếm.
Ngoại giao VN đã góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển. VN đã đứng vững và bảo vệ tốt 33 điểm đóng quân trên 21 thực thể quần đảo Trường Sa, tiếp tục khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thách thức lớn nhất ở Biển Đông hiện nay là làm sao giữ được hòa bình, ổn định, phát triển bền vững trong khi thế và lực của VN còn hạn chế. Xu thế chung của thế giới và khu vực là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp biển, đảo. Chúng ta có thế mạnh về luật pháp quốc tế, có lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền của cha ông khích lệ. Các thế hệ ngoại giao VN cần phải trau dồi hơn nữa luật pháp quốc tế, tham gia tích cực vào các hội thảo, hội nghị quốc tế, tranh thủ mọi thời cơ, tuyên truyền lập trường VN, đáp trả kịp thời các luận điệu xuyên tạc.
. Để vượt thách thức, ngoại giao VN cần lưu ý vấn đề gì?
+ Làm ngoại giao phải kiên định nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, không sa vào các bẫy gây xung đột, “chỉ chọn lẽ phải, không chọn bên”. Ngoại giao VN cần làm tốt hơn và xây dựng sách lược “tam công pháp” (công pháp quốc tế, công luận quốc tế, công khai quốc tế); dựa vào luật pháp quốc tế, tranh thủ dư luận, đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái để bảo vệ tốt nhất chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của VN.
Ngoại giao không thể thành công nếu không có sự hợp tác và trợ giúp của các ngành kinh tế, quốc phòng. Chúng ta cần nâng cao vị thế phát triển kinh tế và khả năng quốc phòng của đất nước. Đường lối đối ngoại của VN sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước; quốc phòng theo phương châm “bốn không và một tùy” và giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế đã thể hiện tính đúng đắn, giúp đất nước vượt qua những khó khăn vừa qua và chắc chắn sẽ ứng phó tốt với những thách thức trong tương lai.
. Xin cảm ơn đại sứ.
VN chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế…
Tùy theo diễn biến của tình hình và trong những điều kiện cụ thể, VN sẽ cân nhắc phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết với mức độ thích hợp trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, vì lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.
Sách Trắng Quốc Phòng Việt Nam .............................................. Từ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đến “ngoại giao cây tre”Triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra vẫn được các thế hệ ngoại giao VN coi là kim chỉ nam cho hoạt động của ngành.
Dĩ bất biến ở đây là bảo vệ các mục tiêu lớn, lợi ích cốt lõi của quốc gia, dân tộc. Ba mục tiêu lớn của ngoại giao VN như cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng khái quát: (i) Về , ngoại giao bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ... (ii) về phát triển, ngoại giao hướng tới tận dụng các nguồn lực bên ngoài để phục vụ “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. (iii) về vị thế, ngoại giao giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người VN, tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ của các quốc gia, từ đó nâng cao vị thế và uy tín VN trên trường quốc tế.
an ninhỨng vạn biến là căn cứ vào từng hoàn cảnh cụ thể, từng đối tác, đối tượng cụ thể để có sách lược vừa kiên định vừa mềm dẻo.
Triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã và đang được phát triển bổ sung với phương châm “ngoại giao cây tre”, đưa ra biểu tượng cho ngoại giao VN, có gốc rễ cứng, kiên định với các mục tiêu của mình nhưng cũng hết sức uyển chuyển trước phong ba bão táp.
Đại sứ-GS-TS NGUYỄN HỒNG THAO