Ngoại trưởng Nga bác cáo buộc nước này tìm kiếm đàm phán với Ukraine để câu giờ

(PLO)- Ngoại trưởng Nga khẳng định Moscow không yêu cầu bất kỳ cuộc đàm phán nào nhưng nhấn mạnh sẵn sàng lắng nghe những ai đề xuất hòa đàm về vấn đề Ukraine.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 1-12, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov lên tiếng bác bỏ cáo buộc cho rằng nước ông đang tìm kiếm hòa đàm với Ukraine nhằm tận dụng thời gian để tập hợp và xây dựng lại lực lượng, theo đài RT.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Ảnh: REUTERS

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Lavrov nói rằng các cáo buộc trên "vô lý và khó chịu” bởi vì [những người đưa ra chúng] đã nói dối một cách trắng trợn”.

"Chúng tôi chưa bao giờ yêu cầu bất kỳ cuộc đàm phán nào. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tuyên bố rằng nếu ai quan tâm tới việc đàm phán, chúng tôi sẽ sẵn sàng lắng nghe” - ông Lavrov cho hay.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi không chỉ lắng nghe mà còn sẵn sàng thỏa thuận về các điều khoản mà [người Ukraine] tự đề xuất".

Nhà ngoại giao hàng đầu của Nga cũng đề cập việc Ukraine và Nga dường như sắp đạt được một thỏa thuận hòa bình sau các cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3.

Vào thời điểm đó, theo ông Lavrov, hai nước đã ký một thỏa thuận đã được đề xuất nhưng phía Ukraine đã rút khỏi các cuộc đàm phán sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky cáo buộc Nga phạm "tội ác chiến tranh". Moscow đã bác bỏ các cáo buộc này.

Vào tháng 10, phát biểu trực tuyến trước Hội đồng châu Âu, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh Nga đang “thao túng vấn đề đàm phán” do những bước tiến của Ukraine trên chiến trường, đồng thời nói rằng Moscow đang kêu gọi đối thoại “điều mà chính họ đã từ chối bằng việc phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine” và bác bỏ "hàng loạt các đề xuất hòa bình của chúng tôi".

Ngoài ra, cũng trong buổi họp báo trên, Ngoại trưởng Nga chỉ ra rằng Mỹ và Anh là các bên đang chỉ đạo trực tiếp các hành động của Ukraine. Ông Lavrov nhấn mạnh mục tiêu của Washington là làm suy yếu nước Nga và thu lợi từ việc bán vũ khí mà người dân Ukraine phải trả giá đắt.

Ông cũng cho biết Mỹ và các đồng minh đã từ chối các biện pháp giảm căng thẳng với Nga cũng như bỏ qua các cảnh báo của Nga rằng việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang vượt qua lằn ranh đỏ của Moscow.

Khối quân sự này đã gạt sang một bên thỏa thuận an ninh được Nga đề xuất vào cuối năm 2021 mà theo quan điểm của nước này sẽ giải quyết được tình trạng căng thẳng.

Điều kiện đàm phán hòa bình mà Ukraine và Nga từng đưa ra

Cuộc chiến tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 10 và lực lượng Nga và Ukraine vẫn đang tiếp tục giằng co quyết liệt. Trong khi đó, trên mặt ngoại giao, hai bên vẫn chưa thực hiện một bước tiến nào kể từ khi các cuộc hòa đàm không thành công hồi tháng 3, dù ngày càng nhiều tiếng nói từ các nước phương Tây kêu gọi Ukraine đàm phán với Nga nhằm kết thúc xung đột.

Hãng tin Reuters đưa ra một số khác biệt trong điều kiện hòa đàm giữa Nga và Ukraine, vốn khiến cho các cuộc đàm phán về hòa bình giữa hai bên bị đóng băng.

Phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3. Ảnh: Sergei Karpukhin/TASS

Phái đoàn Nga và Ukraine tại cuộc họp ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 3. Ảnh: Sergei Karpukhin/TASS

Về phía Ukraine, hoà đàm chỉ có thể diễn ra khi Nga ngừng tấn công Ukraine và rút toàn bộ lực lượng ra khỏi lãnh thổ của nước này, không chỉ bao gồm các khu vực mà Nga kiểm soát từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2, mà còn cả khu vực Nga hoặc lực lượng ly khai kiểm soát từ năm 2014, trong đó có các lãnh thổ ở vùng Donbass và bán đảo Crimea. Kiev cũng bác bỏ việc nhượng bộ bất kỳ phần lãnh thổ nào để đổi lấy hòa bình.

Sau khi Moscow sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine hồi tháng 9, ông Zelensky đã ký một sắc lệnh về việc Ukraine chính thức từ chối các cuộc đàm phán hòa bình với Tổng thống Vladimir Putin. Dù vậy, Ukraine gần đây không đề cập nhiều tới điều kiện này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Tổng thống Zelensky đã đề ra một kế hoạch hòa bình 10 điểm, trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh cho Ukraine, mở rộng thỏa thuận ngũ cốc, thả tù binh,...

Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov từng khẳng định các mục tiêu của Nga ở Ukraine có thể đạt được thông qua quân sự hoặc đàm phán.

Trên thực tế, các mục tiêu của Moscow đã có phần thay đổi. Ban đầu khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt, Nga khẳng định nhiệm vụ của chiến dịch là nhằm “phi quân sự hoá” Ukraine để nước này không còn là mối đe dọa cho Moscow và "phi phát xít hoá” lãnh đạo Ukraine. Tuy nhiên sau khi Nga rút khỏi Kiev và phía bắc Ukraine, Moscow nhấn mạnh mục tiêu của họ là khẳng định quyền kiểm soát các lãnh thổ ở miền đông và nam Ukraine.

Nga cũng nhiều lần yêu cầu Ukraine phải công nhận chủ quyền của nước này đối với bán đảo Crimea như một điều kiện tiên quyết cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Trước tháng 2, Nga yêu cầu các đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý rằng Ukraine sẽ không bao giờ được kết nạp vào NATO. Điều này vẫn là "lằn ranh đỏ" khi nước này cảnh báo việc NATO mở rộng sát biên giới Nga đặt ra mối đe doạ sống còn với nước này.

Bên cạnh đó, trước khi các cuộc hòa đàm sụp đổ vào tháng 3, Nga cho biết họ đã thảo luận về việc Ukraine chấp nhận tình trạng trung lập để đổi lấy các đảm bảo an ninh. Theo đó, tình trạng trung lập đồng nghĩa với việc Kiev phải sửa đổi hiến pháp nói rõ rằng nước này từ chối mọi ý định gia nhập bất kỳ liên minh quân sự nào. Dù vậy, Kiev đã nộp hồ sơ xin gia nhập NATO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm