Ngừa tham nhũng: Không ai chọn cửa mà sinh ra

Nhiều người đặc biệt quan tâm đến các quy định cấm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu có người thân làm ở các vị trí nhạy cảm; mua bán hàng hóa, dịch vụ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do họ quản lý; cấm người quản lý doanh nghiệp nhà nước giao dịch với doanh nghiệp của người thân…

Những người được xem là người thân với người đứng đầu được liệt kê gồm “vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, cha chồng, mẹ chồng, cha vợ, mẹ vợ, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu”.

Thoạt nhìn, diện “người thân” để ngăn ngừa có vẻ chặt chẽ, tránh chuyện tuồn các nguồn lực của Nhà nước vào túi cá nhân vì đã mở rộng ra đến em rể, em dâu so với luật cũ. Tuy nhiên, có điều diện “người thân” mà luật này đề cập còn lúng túng, chưa rõ dựa trên cơ sở nào.

Bởi lẽ nếu dựa trên quan hệ huyết thống thì Luật Hôn nhân và Gia đình quy định đến ba đời; còn dựa trên quan hệ thân tộc thì người Việt có câu “một giọt máu đào hơn ao nước lã” để bao quát cả những người có quan hệ họ hàng từ đời cụ tổ, cụ sơ chứ đâu có “khung” như trong dự luật.

Chưa kể là nếu ngăn ngừa tham nhũng theo mối quan hệ “người thân” của dự luật, có vẻ còn lọt sổ. Ngoài chuyện em chồng, anh chồng như báo chí đã nêu thì những người như anh em chú bác ruột; anh em cô cậu ruột; chú, bác, cô, dì, cậu, dượng… sao dự luật lại không đưa vào? Bởi thực tế anh em chú bác ruột, cô cậu ruột… có khi kín tiếng, tin cậy, chia sẻ… còn tốt hơn là anh em ruột. Vì vậy chưa rõ dựa vào căn cứ nào để dự luật mở rộng diện phải ngăn ngừa.

Thực tế là hầu hết các vụ án tham nhũng đã xét xử chưa thấy ai thuộc diện “người thân” của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu như dự luật nêu ra hầu tòa, cũng chưa thấy có thống kê nào chỉ ra các án tham nhũng là do “người thân” gây ra. Và án tham nhũng xảy ra gây nhức nhối cho xã hội hiện nay là các công ty sân sau, doanh nghiệp trá hình do các quan chức lập ra và họ thừa thãi cách để xóa sạch dấu vết “người thân”. Những công ty này đi giành các dự án, các mối làm ăn độc quyền rồi làm tổng thầu, bán lại cho các nhà thầu khác để hưởng lợi. Vì với cơ chế hiện nay, chuyện lập một doanh nghiệp, nhờ ai đó làm giám đốc rồi tác động để loại nhà thầu nhằm giao dự án cho sân sau vẫn ngấm ngầm xảy ra (trong vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, có đến sáu doanh nghiệp “làm ăn như thật” là một trong hàng ngàn ví dụ). Vì vậy, để ngăn ngừa tham nhũng bằng cách mở rộng diện người thân như dự luật liệu có phát huy công cuộc chống tham nhũng hay nó hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân?

Đành rằng ngăn ngừa tham nhũng là tổng hợp các biện pháp, trong đó có chuyện triệt tiêu từ đầu các điều kiện dễ phát sinh tham nhũng. Tuy nhiên, đẩy vấn đề đến mức không cho những người “lỡ dính dáng” đến người đứng đầu rồi cấm cửa họ giao dịch là phòng ngừa quá xa, chẳng đi vào bản chất của việc ngăn ngừa tham nhũng.

Dự luật nên đi đúng bản chất vấn đề, đó là điều chỉnh thể chế, chính sách quản lý kinh tế-xã hội vì còn nhiều bất cập; điều chỉnh công tác giám sát, kiểm tra, công khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn, của cán bộ, công chức; điều chỉnh việc xử lý các hành vi tham nhũng… chứ không nên luẩn quẩn trong việc soi xét nhân thân của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói “Không ai chọn cửa mà sinh ra” để xóa bỏ rào cản về “chủ nghĩa lý lịch”; dự luật phòng, chống tham nhũng không khéo sẽ sa vào “lý lịch”, kìm hãm sự phát triển và đụng đến quyền tự do kinh doanh của công dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới