Đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, nhấn mạnh như vậy tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (QH) xem xét dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi diễn ra ngày 6-9.
Một số điểm mới của dự luật
Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo luật có một số điểm mới như đề nghị mở rộng từng bước về phạm vi điều chỉnh của dự án luật sang khu vực ngoài nhà nước. Trước mắt là tập trung vào các loại hình công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các quỹ đầu tư, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức từ thiện và các tổ chức khác có tư cách pháp nhân, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, dự luật cũng bổ sung quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản như người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai và kê khai bổ sung tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên. Đáng chú ý, dự luật bỏ quy định về kê khai hằng năm, thay vào đó là kê khai lần đầu và kê khai bổ sung.
Dự luật cũng bổ sung trách nhiệm của các cơ quan của Đảng trong luật. Cụ thể là quy định về trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương Đảng, sự phối hợp giữa cơ quan kiểm tra của Đảng với các cơ quan nhà nước khác, trách nhiệm của cơ quan Đảng trong kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng…
Dự luật có hẳn mục mới về “chế độ liêm chính”, theo đó cán bộ, nhân viên công quyền sẽ bị hạn chế, chỉ được sở hữu dưới 10% cổ phần của pháp nhân kinh tế… Đồng thời dự luật cũng có quy định hạn chế với người thân của người đứng đầu và cấp phó trong khu vực công, chẳng hạn như không được bố trí làm kế toán-tài vụ, thủ quỹ, thủ kho trong cùng đơn vị… Đối tượng người thân cũng được mở rộng, theo đó người thân không chỉ là vợ/chồng, cha/mẹ đẻ, con đẻ mà còn cả cha mẹ chồng/vợ, cha mẹ nuôi, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu…
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Đình Quyền cho rằng nếu không kiểm soát được tài sản quan chức thì vô phương chống tham nhũng. Ảnh: TRỌNG PHÚ
Mấu chốt là kiểm soát tài sản quan chức
Góp ý cho dự luật, ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho rằng mấu chốt để PCTN vẫn nằm ở khâu kiểm soát tài sản của quan chức. Ông Quyền đặt vấn đề tại sao luật qua nhiều lần sửa đổi (luật hiện hành được ban hành năm 2005, sửa đổi, bổ sung các năm 2007 và 2012) mà vẫn hình thức, hiệu quả thấp. Chẳng hạn vấn đề kê khai tài sản, báo cáo PCTN năm 2017 của Chính phủ nêu năm 2016 có hơn 1,11 triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ phát hiện ba trường hợp vi phạm.
“Khó khăn nhất của công tác PCTN là kiểm soát tài sản. Ở rất nhiều nước họ không có Luật PCTN như chúng ta nhưng có luật kiểm soát tài sản và người ta chống tham nhũng đơn giản hơn rất nhiều so với chúng ta” - ông Quyền nói.
Theo ông Quyền, tham nhũng là tội phạm ngầm, tội phạm ẩn cho nên các biện pháp PCTN của các nước là kiểm soát được tài sản, khi dịch chuyển tài sản người ta biết ngay. Còn ở nước ta, xây dựng luật này trong điều kiện nhà nước ta không kiểm soát được tài sản. “Không kiểm soát được tài sản thì vô phương PCTN. Kiểm soát tài sản là bảo bối trong PCTN” - ông Quyền nhấn mạnh.
Ông Quyền cho rằng việc kê khai tài sản đang thực hiện rất hình thức và không có hiệu quả. “Trong các vụ án liên quan đến tranh chấp tài sản, các vụ án điều tra đi điều tra lại, mấy vòng tố tụng còn chưa xác định được tài sản của ai. Còn cơ chế kiểm soát tài sản bây giờ lại giao cho mấy anh làm tổ chức cán bộ đi xác minh không có tí chuyên môn điều tra nào thì chúng ta đang kỳ vọng vào những cái không tưởng” - ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, dự luật mới cũng chỉ quy được trách nhiệm của người kê khai không trung thực, còn xử lý tài sản thế nào trong dự án này cũng bỏ ngỏ. “Tôi cho rằng vấn đề xác minh tài sản, thu hồi tài sản phải có cơ chế khác là đưa vào tố tụng. Bởi vì các phán quyết về tài sản mà không thông qua tòa án thì không bảo đảm nguyên tắc nhà nước pháp quyền, quyền công dân. Không đơn giản mà thu hồi được tài sản của người ta. Đây là vấn đề dự án luật này bế tắc, chưa tìm được cơ chế kê khai, kiểm soát, xác minh và thu hồi tài sản” - ông Quyền nói.
Băn khoăn về cơ quan Đảng trong luật
Một trong những điểm mới của dự luật là luật hóa trách nhiệm, vai trò của các cơ quan Đảng trong PCTN như đã nêu trên. Tờ trình của Chính phủ cho biết quy định mới này xuất phát từ việc các cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong công tác PCTN. Đồng thời, các quy định này cũng căn cứ trên cơ sở các quy định về chức năng, nhiệm vụ của UBKT Trung ương…
Tuy nhiên, nội dung này khiến nhiều đại biểu băn khoăn. Theo đại biểu Phạm Đình Cúc, thành viên Ủy ban Tư pháp, không nên quy định cơ quan của Đảng vào luật. “Nếu quy định thì sau này QH giám sát thế nào?” - đại biểu này đặt vấn đề.
Đại biểu Rơ Châm Long nhận định nếu luật hóa vai trò của cơ quan Đảng trong PCTN thì “vô tình” đưa cơ quan Đảng thành cơ quan quản lý nhà nước. “Kiểm tra Đảng có quy trình khác với thanh tra, cũng như cơ quản lý nhà nước khác. Trong khi đó, cơ quan nội chính của Đảng cũng có nhiệm vụ PCTN, đặc biệt cơ quan này lại thường trực công tác PCTN” - ông Long nói.
Về việc này, Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương Lê Thị Thủy nêu quan điểm: “Không nên đưa cơ quan Đảng, UBKT vào luật, vì Đảng lãnh đạo toàn diện chứ Đảng không làm thay”.
Đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ hơn Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong, thành viên ban soạn thảo dự luật, cho hay dự thảo luật còn nhiều bất cập như có đến 2/12 hành vi tham nhũng chưa được Bộ luật Hình sự (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2018) đề cập; quy định về phòng ngừa, chứng minh tài sản chưa ổn; chưa quy định trách nhiệm báo cáo trước QH giữa ba cơ quan chuyên trách PCTN (gồm VKS, công an, thanh tra)… “Đề nghị dừng thẩm định, chuyển Chính phủ làm lại luật này. 131 điều trong dự thảo luật này tôi đọc cứ thấy ngờ ngợ, không hiểu mình có còn trí tuệ pháp luật hay không. Nếu cứ để thế này rồi thông qua thì dân rất kêu” - ông Phong nói. Trước nhiều vấn đề còn tồn tại, nhiều đại biểu dự phiên họp đồng tình với việc tạm dừng, để ban soạn thảo hoàn thiện thêm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay dự thảo luật này được đưa vào chương trình sớm chứ không phải thiếu thời gian. Tuy nhiên, ủy ban thẩm tra không có quyền “trả lại” mà sẽ phải báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ QH xem có đủ điều kiện để trình ra QH không. “Rất ghi nhận cố gắng của ban soạn thảo nhưng chất lượng dự luật chưa đạt, chưa đủ điều kiện trình QH. Chúng tôi sẽ báo cáo lại Ủy ban Thường vụ QH, trong đó có phương án như đề xuất là theo quy trình trình ba kỳ họp. Đề nghị ban soạn thảo có bản giải trình chi tiết trước Ủy ban Thường vụ QH” - bà Nga nói. |